Vịnh Hạ Long - Những điều bí ẩn
Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2008
Vịnh Hạ Long - Những điều bí ẩn
Di sản thế giới Vịnh Hạ Long từ lâu đã được biết đến bởi các giá trị ngoại hạng về cảnh quan địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và giá trị văn hoá, lịch sử.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đã được thế giới thừa nhận, được giới thiệu rộng rãi, Vịnh Hạ Long vẫn luôn mang trong lòng nó những điều bí mật chờ các nhà khoa học và cả thời gian giải đáp.
Ảnh: T.T.D. |
Theo những tài liệu cũ của người Pháp ghi chép lại thì từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều tàu hải quân của Pháp đã bắt gặp loài rắn biển khổng lồ trên Vịnh Hạ Long. Đại úy Lagresille, chỉ huy pháo thuyền Avalanche trong báo cáo của mình vào tháng 7-1897 đã thuật lại việc các thuỷ thủ nhìn thấy hai con vật kỳ dị trên Vịnh Hạ Long.
Thân chúng dài khoảng 20m, cổ có lông mịn bao phủ, đường kính thân chừng 2m. Chúng cử động bằng cách uốn lượn như rắn. Họ bèn nạp đạn bắn nhưng khoảng cách quá xa nên không bắn trúng, chỉ khiến chúng lặn sâu xuống biển.
Ngày 24-2-1898, các thuỷ thủ đoàn lại phát hiện hai con vật trên trước mũi tàu. Họ bèn truy đuổi suốt 35 phút. Lúc chỉ cách khoảng 200m, đại uý Lagresille nhìn rõ đầu con vật này rất giống đầu hải cẩu nhưng to gần gấp đôi. Một đại uý hải quân pháp khác là Peron, thuyền trưởng tàu Chateurenault, vào sáng sớm ngày 12-2-1904, trong khi tuần tra tại khu vực hòn Con Cóc, được báo phía trước có một mỏm đá. Peron nhìn và tin chắc đó là một con cá to, bèn cho tàu tiến lại gần. Nhưng gần tới nơi thì con vật biến mất.
Peron thả một ca nô xuống đuổi theo, hy vọng nhìn thấy con vật nhưng khi gần tới Cát Bà, ông lại nhìn thấy hai con vật hình thù giống như hai con cá chình khổng lồ, da màu đá, có những đốm màu vàng nhạt. Chúng chỉ xuất hiện trong tầm mắt những người ngồi trên ca nô một lát rồi lặn sâu xuống biển.
Không chỉ người Pháp, một số ngư dân đánh cá trên Vịnh Hạ Long cũng kể lại rằng, từ cách đây mấy chục năm, vào thập kỷ 60, 80, họ đã nhìn thấy những con vật khổng lồ như miêu tả trên. Một trong những người đó là ông Nguyễn Đình Hùy (Hải Phòng). Ông Hùy kể rằng ông đã chạm trán với loài rắn biển ấy vào năm 1980. Lần ấy ông cùng một số người trong HTX đánh cá ra khơi, quãng hơn 9 giờ sáng thì bắt gặp con vật khổng lồ, chỉ riêng phần lưng của nó nổi lên đã dài khoảng 5 m...
Những câu chuyện như trên khiến cho nhiều người nhớ tới câu chuyện tương tự về con quái vật màu đen, thân hình đồ sộ và có cổ rắn ở hồ Loch Ness (Scotland) mà đã có rất nhiều lần người ta vô tình bắt gặp nó nổi lên trong thoáng chốc, nhưng qua hàng thế kỷ mà chưa nhà khoa học nào giải thích được đó là loài vật gì. Câu chuyện về những con rắn khổng lồ được lưu truyền và có lẽ sẽ mãi là bí ẩn của Vịnh Hạ Long.
Tạp chí Xưa và Nay số 289, tháng 8-2007 của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có đăng bài của tác giả Hồ Đắc Duy, trong đó ông đặt ra những giả thuyết về một kho báu của quân Mông Cổ dưới đáy Vịnh Hạ Long. Tác giả lập luận rằng đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân dân nhà Trần đánh cho tan tác trên Vịnh Hạ Long năm 1288, ngoài lương thực ắt hẳn phải có vật dụng khác như đồ gốm, sứ hoặc hơn thế nữa. Do chưa có cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ nào được tiến hành dưới đáy biển nên đây vẫn là một bí mật trong lòng Vịnh Hạ Long.
Năm 2004, một số thợ lặn ở Cái Rồng (Vân Đồn) trong khi lặn biển khai thác hải sản cho biết đã phát hiện xác một chiếc tàu gỗ đắm trên vịnh Bái Tử Long, trong đó có các đồ gốm, sứ như bát, đĩa, âu. Theo giám định của TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì số hiện vật này có xuất xứ từ Trung Quốc, niên đại cuối thế kỷ XIX. Do quan tâm tới chuyện mưu sinh hơn là đi tìm đồ cổ, nên các thợ lặn kia không trở lại khu vực tàu đắm có những xoáy nước nguy hiểm nữa...
Một bí mật khác của Vịnh Hạ Long luôn chứa đựng những bất ngờ đó là các di tích khảo cổ. Theo thống kê của các nhà khảo cổ, kể từ năm 1937, khi nhà khảo cổ Thuỵ Điển Anderson phát hiện ra di tích Văn hoá Hạ Long (lúc ấy ông gọi là Văn hoá Danhdola- tên đảo Ngọc Vừng thời Pháp thuộc). Trên đảo Ngọc Vừng đến nay đã có gần 40 địa điểm di tích cùng loại được phát hiện.
Hàng chục cuộc khảo sát trên bờ, ngoài các đảo của Vịnh Hạ Long tưởng như đã không còn thấy gì thì năm 2007, các nhà khảo cổ phát hiện ra di tích Văn hoá Hạ Long chẳng đâu xa, ngay tại núi Hòn Hai, bên bờ di sản, thuộc phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Kết quả khai quật di tích sau đó đã vén lên những bí mật về phương thức an táng độc đáo (táng ngồi) của người tiền sử Văn hóa Hạ Long - một câu hỏi mà mấy chục năm các nhà khảo cổ đỏ mắt đi tìm.
Đầu năm 2007, các nhà khảo cổ lại phát hiện thêm một di tích khác thuộc Văn hóa Hạ Long tại hòn Đông Trong, ngay cạnh cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Kết quả khai quật địa điểm này hứa hẹn sẽ làm rõ thêm nhiều giá trị về một nền văn hoá mang tên di sản thế giới, tồn tại cách ngày nay hàng ngàn năm .
Với tất cả những giá trị đã được biết đến, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành điểm đến, thu hút đông đảo du khách trong nước và thế giới đến tham quan. Dưới màu xanh của nước biển, những bí mật của di sản mãi là điều bất ngờ, kích thích sự khám phá của du khách.
Theo Báo Quảng Ninh