Hạ Long: Không chỉ có đá, nước và bầu trời...

http://bauchovn.blogspot.com

Hạ Long: Không chỉ có đá, nước và bầu trời... 

Tham quan Vịnh Hạ Long lần này tôi cố gắng quan sát thật kỹ, lắng nghe để cảm nhận thật rõ cái điều mà anh bạn làm ở Ban Quản lý (BQL) Vịnh đã tổng kết về cảnh sắc Vịnh Hạ Long, đó là: Đá, nước và bầu trời. Và, tôi ngộ ra rằng, Vịnh Hạ Long không chỉ có vậy...

Các nhà khảo cổ và thanh niên làng chài Cửa Vạn khai quật di tích hang Tiên Ông.
 

Bí ẩn Tiên Ông

Như đã hẹn trước, tôi có mặt tại Bến Đoan vào sáng sớm để theo tàu công tác đưa các nhân viên BQL Vịnh đi làm. Đi với những người gắn bó với Vịnh Hạ Long hằng ngày quả là thú vị, vì muốn tìm hiểu điều gì đều được giải đáp thoả mãn. Và thú vị nhất là được ngắm bình minh đang lên trên Vịnh, ngắm cảnh Vịnh trong sương sớm tinh mơ.

Sau hai tiếng đồng hồ, tàu cặp làng chài Cửa Vạn. Từ Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, đi xuồng nhỏ chừng 20 phút nữa là ra đến hang Tiên Ông (nằm ở phía Tây Bắc của đảo Hang Trai). ở đây, các nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng Lịch sử VN và ngư dân bản địa đang tiến hành khai quật khảo cổ, nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích này.

Xuồng máy của BQL Vịnh đến gần cửa hang, có vài thanh niên trẻ ra đón, dẫn chúng tôi vào sâu bên trong. Làm việc trong hang lúc này có 2 nhà khảo cổ học và một họa sĩ chuyên ngành thuộc Bảo tàng Lịch sử VN, cùng hơn chục bạn trẻ là dân vạn chài ở thôn Cửa Vạn. Mọi người đang xác định những giá trị lịch sử, văn hóa bên trong hang trước khi đưa hang Tiên Ông vào khai thác du lịch.

Tranh thủ lúc mọi người làm việc, tôi và anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ BQL Vịnh đi một vòng quanh hang.

Cảnh đẹp trong hang Tiên Ông quả là tuyệt vời với nhiều nhũ đá, măng đá bao quanh và hai cột đá to nằm giữa hang. Hang rộng chừng 1.000 m2, hình mái vòm, chiều cao đỉnh mái chừng trên chục mét và đáy hang cách mực nước biển chừng 5m. So với các hang, động khác thì Tiên Ông có vẻ đẹp rất hoang sơ.

Phó trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử VN Nguyễn Mạnh Thắng là người còn trẻ và sôi nổi. Anh cùng với các cộng sự đến Tiên Ông từ ngày 17-11 và nay sau hơn một tuần khai quật, các anh đã phát hiện được khá nhiều điều thú vị.

Những hiện vật thu được gồm xương động vật trên cạn, các mảnh gốm và nhiều vỏ sò, vỏ ốc suối và vỏ các nhuyễn thể khác. Từ những hiện vật ban đầu thu được như một số công cụ bằng đá cùng nhiều tàn tích thức ăn là xương động vật trên cạn được phát hiện, có thể phán đoán cách đây chừng mười lăm đến hai mươi ngàn năm, khi mà Vịnh Hạ Long còn là đất liền đã có người đến hang này sinh sống...

Cùng làm việc ở đây với các nhà khảo cổ học còn có các cư dân của Vịnh Hạ Long là những thanh niên làng chài Cửa Vạn. Hơn một tuần qua, họ đã miệt mài làm việc cùng các nhà khảo cổ học để khai quật hang Tiên Ông. Đinh Văn Phương, một thanh niên làm việc ở đây cho biết, vì tình yêu với Vịnh Hạ Long, nhiều bạn trẻ trong làng đã đến giúp các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật: “Dù công việc khá vất vả vì phải đào các lớp đất đá và thu nhập thấp hơn đi biển nhưng để góp phần làm cho Hạ Long hấp dẫn hơn, chúng em luôn sẵn sàng”.

Chuyện một người con làng chài Cửa Vạn

Ông Nguyễn Tài Lộc kể chuyện về tàu không số cho con cháu.

Ông Nguyễn Tài Lộc, là người cả đời gắn bó với làng chài Cửa Vạn (nay là thôn Cửa Vạn, phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long). Giữa năm 1964, sau khóa huấn luyện tân binh ở Tiên Yên, ông được tuyển vào Đoàn 125 - đơn vị của những đoàn tàu không số thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Sau khóa huấn luyện 2 tháng ở K15 (Hải Phòng), ngày 5-8-1964, ông và đồng đội nhận tàu không số chở vũ khí vào Bến Tre. Trước khi đi, ông và các chiến sỹ trên tàu đã được làm lễ truy điệu.

Ông Lộc nhớ lại: "Hôm đó, tại lễ truy điệu sống trong hang Sửng Sốt cho những người lên tàu không số, có đồng chí Trường Chinh, Trung tướng Song Hào và các đồng chí ở Trung ương về tiễn đưa anh em. Mặc dù đã xác định đi là chết nhưng không ai run sợ. Trên những chuyến tàu không số, ban ngày chúng tôi là những ngư dân đánh cá thực thụ. Tôi vốn là dân vạn chài nên thường xuyên được phân công những công việc như vá lưới, quăng chài trên mạn tàu. Một số đồng chí khác thì ở dưới buồng máy trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Khó khăn nhất là khi đêm xuống, chúng tôi phải đi hoàn toàn trong bóng tối, không được bật đèn và cả đến hút thuốc lá cũng không được. Sau mấy chục ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu của chúng tôi đến được Bến Tre và bàn giao vũ khí, đạn dược cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam an toàn".

Chuyến đi thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng vậy, Nguyễn Tài Lộc và các chiến sỹ trên tàu cũng làm lễ truy điệu ở hang Sửng Sốt trước khi lên đường. Riêng chuyến thứ tư, “Tôi còn nhớ rõ là ngày 27-7-1967, chúng tôi được giao nhiệm vụ chở 100 tấn vũ khí, đạn dược vào cho quân, dân Bình Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi trả thù đế quốc Mỹ vừa mới tàn sát đồng bào nơi đây. Đến Bình Sơn, thì bị địch phát hiện. Sau gần 2 giờ chiến đấu anh dũng, 3 chiến sỹ được phân công ở lại hủy tàu; 14 đồng chí còn lại nhảy xuống biển bơi vào bờ. Khi vượt hơn 2 hải lý vào đến bờ thì bị địch bỏ bom. Tôi bị cháy hết da mặt, gãy xương hàm và xương chân. May được quân và dân Bình Sơn tìm thấy, cứu chữa...”.

Sau khi tạm bình phục, Nguyễn Tài Lộc lại tiếp tục về đơn vị và tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch khác. Đến năm 1972, do sức khỏe không tốt nên anh được đơn vị cho phục viên. Rời quân ngũ, Nguyễn Tài Lộc lại về với làng chài Cửa Vạn thân yêu để được hằng ngày vùng vẫy trên Vịnh, được hít thở không khí của vùng biển quê hương.

Những kỷ niệm với Vịnh Hạ Long của người lính già Nguyễn Tài Lộc có lẽ nhiều hơn ai hết. Tuổi thơ, ông tập bơi, tập chèo thuyền trên Vịnh trước khi học chữ. Những buổi cùng trai tráng vạn chài sáng sáng ra khơi đánh cá, khi màn đêm buông xuống giăng câu tìm mực. Những buổi trăng thanh cùng thanh niên trong làng chèo thuyền đi sinh hoạt Đoàn, đi huấn luyện dân quân hay đi canh phòng bảo vệ chống gián điệp, biệt kích.

Vào quân đội, ông cũng được đóng quân, chiến đấu trên Vịnh Hạ Long. Ông là một trong rất ít người biết hết các hang động giấu tàu không số. Có lần đang vận chuyển vũ khí ở hang Sửng Sốt lên tàu để chở vào Nam, mẹ ông bất ngờ đến. Nhưng để đảm bảo bí mật, ông vội chạy xuống khoang máy và nhắn đồng đội lên bảo với mẹ là ông đã chuyển sang đơn vị khác.

Những khi vận chuyển vũ khí xong từ Nam ra, tàu không số thường phải cập cảng Tú Oanh bên Hải Nam (Trung Quốc) một thời gian mới về Hạ Long để đảm bảo an toàn, bí mật. Mỗi lần đi qua Vịnh Hạ Long như vậy mà không được ghé vào, nỗi nhớ mẹ, nhớ làng, nhớ vùng biển quê hương với những cái tên Bồ Nâu, Ba Hầm, Thiên Cung… dâng lên đến thắt ruột...

Giờ đây, hằng ngày, sáng, chiều ông vẫn buông câu; đêm xuống, lại làm nhiệm vụ bảo vệ Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn. Lúc nào ông cũng tự hào là người dân Cửa Vạn và luôn giáo dục con cháu, thế hệ trẻ làng chài và tuyên truyền cho du khách bốn phương về truyền thống lịch sử dân tộc, về văn hóa, lối sống tốt đẹp của người vạn chài Hạ Long.

Tôi rất khâm phục người lính già ấy không chỉ bởi sự anh dũng trong chiến đấu. Bị thương, mất hết giấy tờ, đến nay chưa được hưởng chế độ gì, dù cuộc sống hiện tại còn nhiều vất vả, nhưng trong ông vẫn nguyên một niềm lạc quan yêu đời. Ông bảo, ông muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm cho Hạ Long ngày thêm đẹp hơn.

Và sau chuyến đi này, tôi hiểu thêm Vịnh Hạ Long không chỉ đẹp về cảnh quan, mà còn đẹp hơn bởi những con người như thế.

Theo NGỌC HÀ - Báo Quảng Ninh

 

0 comments:

Đăng nhận xét