Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thởBốn mùa Vịnh Hạ Long
Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008
Bốn mùa Vịnh Hạ Long
Cảnh vật trở lại tuơi tốt. Gặp ngày dông bão, thuyền chài đi biển xa về chậm gặp nguy hiểm, rồng lượn xuống quanh thuyền che sóng to gió lớn, dẫn thuyền cập bến.
Dân yêu quí rồng, mỗi khi trong vùng có hội hè lễ tết thường mang đồ tế lễ ra bờ biển để cảm tạ rồng. Nhưng rồi bỗng nhiên đàn rồng vắng bóng. Bọn hung ác kéo đến tàn phá dân lành.
Dân mang đồ tế lễ đến bên bờ biển, cầu cứu rồng. Rồng mẹ cùng đàn rồng con lại xuất hiện, bay xà xuống phun lửa thiêu đốt bọn hung ác. Những lưỡi lửa rơi xuống biển, biến thành núi thành đảo. Nơi rồng mẹ hạ xuống nay là Vịnh Hạ Long, nơi đàn rồng con quay về chầu mẹ là phần vịnh Bái Tử Long.
Truyền thuyết ấy có lẽ đã gắn liền với quan niệm của người Việt xưa về tổ tiên mình là Rồng và Tiên. Mặt khác, địa thế Hạ Long lại gồm những đảo và núi phân bố nhấp nhô uốn khúc như dáng con rồng (theo mỹ cảm của dân gian) đang uốn lượn trên sóng nước. Trong số những hòn đảo riêng biệt của Hạ Long lại có những hòn Rồng, hòn Long Châu… cũng mang dáng đầu rồng, đuôi rồng.
Sự thật thì những hòn đảo này là những dãy núi đá vôi của lớp nền cũ thuộc về kỷ địa chất thứ nhất chìm dưới bể chỉ có đỉnh là không bị ngập nên còn nhô lên. Đá vôi lại bị nước mưa hòa tan nên núi non lâu ngày thay hình đổi dạng, có nhiều hang động, có suối chảy ngầm bên trong, tạo thành một phong cảnh khác thường.
Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thở
Bất kỳ ai tới thăm Vịnh Hạ Long đều phải bàng hoàng trước cảnh trời – mây – non – nước vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ này. Từ đầu thế kỷ 20 du khách quốc tế đã phải gọi Vịnh Hạ Long là kỳ quan thứ tám của thế giới.
Mới đây, mùa hè năm 1990, Tổng thống Ấn Độ tới Hạ Long, ông đã nói: “Hạ Long là khu du lịch đẹp nhất thế giới”. Mùa hè năm 1991, bộ trưởng du lịch Pháp đã bộc lộ cảm xúc của mình trên bờ Vịnh Hạ Long: “Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thở”.
Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Không có một vùng bờ biển nào trên đất nước Việt Nam lại được tạo hóa ưu đãi như Hạ Long. Trên một diện tích khoảng 1.500km2 mà có hàng ngàn hòn đảo, đảo đá xen lẫn với đảo đất như rồng chầu phượng múa. Có nơi đảo quần tụ xúm xít như bầy trẻ nô đùa, có chỗ dàn ra thưa thớt như quân cờ chông chênh trên sóng nước.
Lại có chỗ các đảo đứng xen lẽ nhau san sát chạy hàng chục cây số, trong xa như một bức tường thành ngăn khơi với lộng, nối mặt biển xanh với chân trời biếc. Nhưng khi tiến gần vào vịnh thì mặt biển bị rạn vỡ và ôm lấy núi non gò đảo lắm hình lắm dạng như nhím xù lông.
Đảo ở đây không chỉ là những hòn núi đá buồn tẻ, đơn điệu mà mỗi hòn một vẽ, thấp thoáng hình ảnh sống động của muôn loài. Có hòn như đôi gà xám xòe cánh chọi nhau, có hòn bề thế như một tòa lâu đài cổ, có hòn như cụ già trầm tư ngồi câu cá trên mặt vịnh, có hòn như chiếc thuyền buồm căng gió…
Du khách đã đi thăm nhiều thắng cảnh trên thế giới khi tới thăm vịnh này sẽ thấy nơi đây có những cái tháp Ấn Độ, những mái chùa Nhật Bản, những hàng cột ở các cung điện hoang tàn bên Hi Lạp, những vọng gác của những lâu đài bên châu Âu thời Trung cổ, những Đôn-men khổng lồ của người Gôloa, những vòm tròn của nhà thờ Thiên Chúa giáo…
Nét đẹp lung linh trong từng khoảnh khắc
Vào buổi sáng, thiên nhiên Hạ Long đẹp lộng lẫy với những sắc xanh kỳ ảo: sắc biếc sâu thẳm của biển, sắc xanh phớt nhẹ lung linh của sương… Tất cả đều thoát lên một sắc thái trẻ trung rạng rỡ khiến một nhà văn có tên tuổi của Việt Nam là Nguyễn Tuân đã kêu lên: “Chỉ có núi mới chịu già chứ biển và sóng biển Hạ Long thì trẻ trung đời đời”.
Chiều dần buông trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ban quản lí Vịnh Hạ Long |
Mặt trời ghé xuống gần những hòn đảo phía tây. Bóng núi chạy dài từng vệt trên mặt nước, trùm lên sóng bạc. Ráng chiều dập dờn làm bật ra những sắc màu lấp loáng của vài đám mây đủng đỉnh về xuôi ở mé đằng đông. Núi tiếp núi tạo trên nền trời màu da cam những bức tranh hoành tráng.
Nhưng nắng chiều rồi cũng tắt, màu sắc cũng đổi thay, nước kém xanh, kém biếc, núi đá tối sầm. Mặt trời xuống hẳn, màu nước cũng xóa nhau và cuối cùng hòa trong sắc tối của màn đêm.
Dưới ánh sáng lấp lánh của muôn vàn vì sao, cái vịnh biển vốn ít khi nổi giận lôi đình này giống như một vương quốc mà núi, đảo, gò, bãi là những lâu đài, cung điện, nhà cửa, vườn hoa và mặt biển bị xẻ thành từng dãy hành lang chỉ hơi lăn tăn gợn sóng in bóng sao đêm giống như những đường phố quanh co uốn lượn.
Tàu thuyền đậu từng đám, từng đám. Thắp đèn rực rỡ như những lầu hội đêm hoa đăng. Những đợt sóng rì rào vỗ vào vách đá, mạn thuyền như lời tỏ tình muôn đời giữa non và nước.
Thường các vùng biển chỉ lôi cuốn khách du lịch vào mùa hè nhưng Hạ Long thu hút khách cả bốn mùa.
Những buổi sáng xuân nhìn ra vịnh: đảo nước đắm chìm trong màn sương bạc mông lung, thấp thoáng những đỉnh cao xanh lam lúc ẩn lúc hiện. Về trưa, màn sương tan dần, từ từ cuốn khỏi mặt nước, chỉ còn trùm lên các đỉnh đảo khiến hàng ngàn hòn đảo như hàng ngàn thiếu nữ trùm tấm khăn voan chuẩn bị đi dự một vũ hội ngoài xa khơi.
Khi những tia nắng vàng tơ xuyên qua đám mây trắng nõn chiếu xuống vịnh, mặt nước hắt lên những ánh sáng rực rỡ muôn màu. Và sương lùi dần vào các hang động rồi tan vào không trung để phơi những triền đào thanh tân như vừa qua tắm gội.
Mùa nè ở Hạ Long là mùa gió nồm nam. Khi mặt trời còn ẩn dưới chân các đảo đá, mặt vịnh đã tươi tắn trong cái sắc xanh muôn thuở của nước trời. Mặt trời lên dần, đảo từ từ vươn dậy trên mặt sóng. Gió lồng lộng thổi, mặt nước gợn lên muôn vàn vệt sáng. Một rừng buồm như những cánh chim muôn màu lướt trên mặt nước lúc triều lên.
Trưa hè khi hoa phượng lốm đốm đỏ lửa cũng là lúc nắng mật ong dát lên mặt nước một màu sáng bạc. Khi bóng chiều vừa ngả, trời nước sáng rực trong nắng quái, rồi đảo đá ngả dần sang màu tím. Mặt trời khuất dần trên mặt nước, hắt lại những ráng vàng hình rẽ quạt.
Mùa thu đem lại cho Hạ Long những đêm trăng huyền ảo, ánh trăng trải xuống mặt vịnh những dải sáng bạc, mặt nước như được dát một lớp thủy ngân, lóng lánh tạo ra thiên hình vạn trạng những khối hình kỳ lạ. Một ngọn gió heo may, mặt biển gợn lên những con sóng lăn tăn như muôn ngàn sợi chỉ bạc chỉ vàng. Cảnh vật tĩnh lặng dường như ta nghe được tiếng đêm thở nhẹ và tiếng sao lùa nước.
Rồi thu qua đông tới, nhưng đối với Hạ Long, mùa đông không chỉ có nghĩ là khô héo. Vịnh Hạ Long cả trong những ngày giá rét vẫn biếc xanh.
Con nước Hạ Long vẫn đều đặn ngày đêm một lần dâng nước triều rửa sạch bãi cát. Và đó cũng là mùa bắt tôm bắt cua rộn ràng chẳng kém ngày hè kéo lưới buông chài.
Bốn mùa Hạ Long có những nét khác nhau nhưng đều hữu tình với các dáng vẻ kỳ vĩ của núi non duyên dáng của mây trời, sắc nước. Nhưng tham quan Hạ Long không chỉ đứng ở bờ vịnh nhìn ra biển, mà phải du ngoạn trên biển để khi thì chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn thể, khi thì len lỏi qua từng vũng, từng luồng, vào tận từng hang động, đến sát gần từng thớ đá, lạch nước, lùm cây mới khám phá được vẻ đẹp tinh tế đến lạ lùng mà tạo hóa đã phú cho miền đất “rồng xuống” này.
Nhà báo ĐỖ PHƯƠNG QUỲNH
(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 12-2001)