I. Hang, ÐộngKỳ thú vịnh Hạ Long

http://bauchovn.blogspot.com

Kỳ thú vịnh Hạ Long

Nằm ở vùng Ðông Bắc Việt Nam, vịnh Hạ Long là một phần vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Ðồn.

Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần còn lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn từ 106o58' - 107o22' kinh độ Ðông và 20o45' - 20o50' vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.

Đi giữa vịnh Hạ Long ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích hóa đá. Ảnh:

Vịnh Hạ Long gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Ðảo của vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam (thuộc vịnh Bái Tử Long) và vùng phía tây nam (thuộc vùng vịnh Hạ Long) có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm.

Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.

Vùng Di sản thiên nhiên được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Ðầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam), đảo Cống Tây (phía đông) vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.

Một góc Hạ Long. Ảnh: TTD

Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh khổng lồ vô cùng sống động. Ði giữa Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá, đảo thì giống hình một người đang đứng hướng về đất liền (hòn Ðầu Người), đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng), đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng), hòn Cánh Buồm, hòn Cặp Gà, hòn Lư Hương... Tất cả trông rất thực, thực đến kinh ngạc.

Hình dáng những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo góc độ ánh sáng trong ngày và theo góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, động Sửng Sốt, động Tam Cung... Ðó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là kỳ quan đất dựng giữa trời cao.

Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng như Vân Ðồn - nơi có thương cảng cổ nổi tiếng một thời (năm 1149), có núi Bài Thơ ghi bút tích của nhiều bậc vua chúa, danh nhân, xa hơn chút nữa là dòng sông Bạch Ðằng - nơi đã từng chứng kiến hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm..

Không chỉ có vậy, Hạ Long ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là một trong những cái nôi của con người có nền văn hoá Hạ Long từ Hậu kỳ đồ đá mới với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Ðồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...

Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động, thực vật vô cùng phong phú trên rừng dưới biển, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17-12-1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

I. Hang, Ðộng

Hang Ðầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ. Ảnh: TTD

Giữa non nước mây trời Hạ Long tuyệt mỹ, một chiếc hang mang tên vô cùng mộc mạc dân dã: hang Ðầu Gỗ. Hang nằm trên đảo Ðầu Gỗ, xưa đảo này có tên là đảo Canh Ðộc.

Sách Ðại Nam Nhất thống chí có ghi "Hòn Canh Ðộc lưng đảo có động rộng rãi có thể chứa vài ngàn người, gần đó có hòn Cặp Gà, Hòn Mèo, Hòn La...".

Sở dĩ gọi là hang Ðầu Gỗ, theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Ðạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Ðằng, có rất nhiều mẩu gỗ còn sót lại. Vì vậy động mang tên là hang Ðầu Gỗ. Từ phía xa nhìn lại, cửa hang có màu xanh lam hình một con sứa biển, qua 90 bậc đá xây ta tới cửa động.

Nếu động Thiên Cung hoành tráng khoẻ khoắn, hiện đại thì hang Ðầu Gỗ trầm mặc uy nghi nhưng cũng rất đồ sộ. Cuốn Merveille de Monde (kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938 chuyên về du lịch giới thiệu về các danh thắng nổi tiếng thế giới đã mệnh danh hang Ðầu Gỗ là Grotto des merveillis (động của các kỳ quan).

Ðiều đó hoàn toàn chính xác. Hang được chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức "tranh sơn dầu" khổng lồ, trong đó vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đó là những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ... với những tư thế vô cùng sinh động. Phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông, những rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu với nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của từng người.

Ðứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ. Chính giữa lòng hang là một cột trụ chống trời khổng lồ, hàng chục người ôm không xuể, từ phía dưới chân cột lên trên được bàn tay điêu khắc tài tình của tạo hoá gọt rũa thành những hình mây bay, rồng cuốn, phượng múa, hoa lá, dây leo...

Trên đỉnh cột, bất giác ta bắt gặp một vị tu sĩ mặc áo choàng thâm, tay phải cầm gậy tích trượng trong tư thế tụng kinh, niệm Phật. Qua ngăn thứ nhất, vào ngăn thứ hai bằng một khe cửa hẹp. Ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa lạ lẫm,... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò.

Tận cùng hang là một miệng giếng tiên bốn mùa nước ngọt trong vắt, chảy tràn trề quanh năm. Bất giác nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là bức thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến kỳ lạ: những chú voi đang gầm thét, người và ngựa chen chúc, gươm giáo mọc tua tủa, tất cả đang ở trong tư thế xông lên và bỗng dưng bị hoá đá chốn này.

Năm 1917, vua Khải Ðịnh lên thăm hang Ðầu Gỗ. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá, ông đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Ðầu Gỗ. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa động.

Hang Sửng Sốt

Nằm ở khu vực trung tâm của Di sản thế giới vịnh Hạ Long, động Sửng Sốt thuộc đảo Bồ Hòn. Người Pháp đặt cho động cái tên Grotto les Suprices (động của những sửng sốt). Ðây là một hang động rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long. Mặt khác động nằm ở vùng trung tâm du lịch của vịnh Hạ Long (bãi tắm Ti Tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - động Sửng Sốt) và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được.

Ðường lên động Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, du khách vừa có được cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi lên trời vậy. Ðộng được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn một như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt, vô số những "chùm đèn treo" bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá... tất cả dường như đang chuyển động trong một thế giới huyền ảo như thực như mơ.

Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kì của tạo hoá, ta bước vào ngăn trong bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, động mở ra một khung cảng mới hoàn toàn khác lạ, ngăn động rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người, ngay cạnh lối ra vào là một chú ngựa đá và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma, khi dẹp xong Thánh Gióng bay về trời và để lại thanh gươm và con ngựa quý để trấn an dân chúng, xua đuổi yêu quái.

Hiện nay trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó, vết chân ngựa Gióng trở thành những ao hồ nhỏ xinh xinh cùng nhiều tảng đá to lớn vỡ vụn. Ði vào trong cảnh trí còn lắm điều kỳ lạ, như nhũ đá, cây đa cổ thụ tán lá xum xuê, chú gấu biển, khủng long... Tới đỉnh cao nhất của động, bất ngờ một khu "vườn thượng uyển" mở ra trước mắt, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây như si, vạn tuế, đa cổ thụ cùng nhiều loài chim sinh sống. Những ngày đẹp trời, từng đàn khỉ kéo nhau xuống đây tìm hoa quả ăn làm náo động cả một vùng.

Hang Trinh Nữ - Hang Trống

Hang Trinh Nữ nằm trên dãy đảo Bồ Hòn cùng với hệ thống động Sửng Sốt, hồ Ðộng Tiên, Hang Luồn... Cách Bãi Cháy 15 km về phía Nam. Người dân đánh cá coi hang Trinh Nữ là ngôi nhà thân yêu của họ. Còn những đôi trai gái yêu nhau lại coi đây là biểu tượng, nơi thề nguyện của tình yêu. Người Pháp xưa đặt cho hang cái tên Le Virgin (động của người con gái).

Truyền thuyết xưa kể rằng: Xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho tên chủ cai quản vùng đánh cá. Thấy cô xinh đẹp, hắn ép gia đình cô gả cô làm vợ bé cho hắn, cô không chịu vì cô đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho ngày cưới của họ.

Không làm gì nổi cô, tên địa chủ đã đày cô ra một đảo hoang nhằm khuất phục ý chí của cô, cô đói lả và kiệt sức. Trong một đêm mưa gió hãi hùng, cô gái đã hoá đá nơi đây. Ðó cũng là đêm chàng trai biết tin cô gặp nạn, chàng mải miết bơi thuyền đi tìm cô. Ðến đêm, giông bão ập đến thuyền chàng vỡ nát, chàng dạt lên một đảo hoang, trong ánh chớp, chàng nhìn ra phía xa và nhận ra cô gái nhưng những lời chàng gọi đã bị gió mang đi.

Chàng dùng hòn đá đập vào vách núi báo cho nàng biết rằng chàng đã đến. Chàng gõ khi máu trên tay chảy đầm đìa, tới khi kiệt sức và chàng hoá đá (hang Trống ngày nay). Ngày nay, khi đến thăm hang Trinh Nữ, bức tượng cô gái đứng xoã mái tóc dài, đôi mắt đang nhìn về đất liền vẫn còn đó.

Ðối diện với hang Trinh Nữ, hang Trống (còn được gọi là hang Con Trai). Bức tượng chàng trai hoá đá đang quay mặt về phía hang Trinh Nữ vẫn còn, những tiếng gọi tha thiết cùng tiếng gõ vào vách đá của chàng vẫn văng vẳng đâu đây. Những dấu tích của trận cuồng phong đêm đó vẫn còn đến ngày nay - đó là những đổ vỡ của đất đá ngổn ngang trong hang, tiếng gió gầm gào qua vách đá và những bọt sóng vẫn tung lên trắng xoá.

Ðộng Thiên Cung

Bầu vú tiên tràn trề sức sống trong động Thiên Cung. Ảnh: halong.org.vn

Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung.

Ðộng nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch 4 km, trên đảo Ðầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển, có tọa độ 107000'54" và 20054'78". Ðảo Ðầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Ðộc có đỉnh cao 189 m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp.

Ðường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo xuống tận đây để kiếm hoa quả. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130 mét. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hoá. Ðộng gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa.

Chuyện kể rằng sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an tọa, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau.

Đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Ðể chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay. Trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ trên không trung...

Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Ðẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt và vô cùng sống động. Tất cả những hình ảnh đó như vừa được hoá đá nơi này.

Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành...

Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Ðó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Ðứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc làm ta ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy.

Tới ngăn động cuối cùng, những luồn ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một vòi nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Ðây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.

Hang Hanh

Cách thị xã Cẩm Phả 9 km về phía tây, động Hang Hanh là một hang động đẹp và dài nhất so với các hang động hiện có trên vịnh Hạ Long. Ðộng có chiều dài 1300 m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển. Vì vậy, người Pháp còn đặt tên cho nó là Le Tunel (đường hầm). Ði đến thăm động có thể bằng thuyền ca nô hoặc bằng xe ôtô, phải chọn vào lúc nước thuỷ triều xuống kiệt. Lúc ấy cửa động mới lộ rõ.

Bên cạnh một phiến đá bằng phẳng chắn ngang ngay bên cửa động là miếu Ba cô. Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Xưa có ba cô gái đi biển, gặp hôm trời mưa to, ba cô vào hang trú mưa, thấy cảnh sắc trong hang đẹp quá nên ba người càng mải miết ngắm cảnh. Tới lúc nước triều dâng cao, ba cô gái bị mắc kẹt trong, bỏ mình tại hang và hoá thành thuỷ thần. Truyền thuyết là vậy, thực tế động Hang Hanh đẹp hơn ta tưởng tượng rất nhiều.

Con đò nhỏ dẫn du khách luồn lách qua từng khe đá quanh co dưới ánh đuốc bập bùng. Từng chùm nhũ buông rủ xuống từ trần hang ánh lên những sắc màu kỳ diệu. Dòng nước êm ả lững lờ trôi. Không gian tĩnh mịch. Chỉ có tiếng mái chèo khua nước nghe thánh thót một thứ âm thanh kỳ ảo. Càng vào sâu, động càng đẹp, mang dáng dấp hoang sơ. Những chùm hoa đá rực rỡ.

Những trụ kim cương chợt ánh lên bao sắc màu óng ánh. Khi ta chiếu đèn vào, tất cả chợt hóa thành những mâm xôi đồ sộ, chùm hoa mẫu đơn, giò phong lan cảnh... Tất cả đang ở trong tư thế vươn ra lay động, rung rinh. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như đêm hội từ xa vọng lại. Ðó là tiếng sóng vỗ nhẹ vào vách đá tạo nên. Và còn nhiều nữa những hình ảnh đẹp kỳ lạ.

II. Ðảo, Hòn

Núi Bài Thơ

Cụm di tích Núi Bài Thơ. Ảnh: halong.org.vn
Ngày trước núi có tên là Truyền Ðăng, núi cao 106 m đứng bên cạnh thị xã Hòn Gai, một nửa chân núi gắn với đất liền, nửa kia ngâm trong nước biển. Ði thuyền trên vịnh, cách bờ vịnh Hạ Long chừng 300 m đã có thể nhìn thấy bài thơ khắc trên vách núi trong một khung hình vuông, mỗi chiều dài 1,5 m.

Năm 1468, vua Lê Thánh Tông cũng là nhà thơ nổi tiếng khi đi kinh lý vùng Ðông Bắc, đã dừng chân trên vịnh Hạ Long ngay dưới chân ngọn núi nên thơ này. Xúc cảm trước thiên nhiên kỳ vĩ, nhà vua đã làm một bài thơ và truyền lệnh khắc vào vách núi. Từ đó có tên gọi là núi Bài Thơ. An Ðô Vương Trịnh Cương (1686 - 1730) cũng có một bài thơ ở núi này.

Leo núi Bài Thơ là một trò chơi đầy hấp dẫn. Ðứng ở lưng chừng núi phóng tầm mắt xa xa là biển xanh, đảo đá nhấp nhô, nhìn lên cao là trời mây bồng bềnh và xung quanh là cây, là hoa rừng, là những cánh chim ríu rít chuyển cành...

Hòn Ðỉnh Hương (Lư Hương hay Bình Phong)

Hòn Ðỉnh Hương nằm chắn ngang giữa con nước, nên rất giống tấm bình phong để che chắn. Khi thủy triều xuống, hòn Ðỉnh Hương để lộ 4 chân uốn khúc không khác gì án lư hương.

Ði qua hòn Ðỉnh Hương khoảng chừng 1 km, du khách sẽ nhìn thấy 2 hòn đá thật to như dáng 2 con gà đang giương cánh đá nhau trên mặt biển.

Hòn Ðũa

Hay còn gọi là hòn Ông, cách Bãi Cháy 15 km về phía đông. Ðây là ngọn núi đá cao khoảng 40 m có hình tròn trông như chiếc đũa phơi mình trước thiên nhiên. Nhìn từ hướng tây bắc, hòn Ðũa giống như vị quan triều đình áo xanh, đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay chắp trước ngực, nên dân chài Hạ Long quen gọi là hòn Ông.

Hòn Yên Ngựa

Ðây là một ngọn núi nhỏ có dáng rất hùng vĩ, giống như một con ngựa đang lao mình về phía trước, bốn vó tung bay trên mặt nước.

Ðảo ở cách thị xã Cẩm Phả 4 km về phía đông nam, còn có tên gọi là đảo Rều. Từ năm 1962, đảo đã trở thành trại chăn nuôi khỉ. Khỉ ở đây là loài khỉ mũi đỏ. Ðây là điểm tham quan của Hạ Long. Ðến đây du khách như được hoà mình với thiên nhiên, được sống với thế giới của "hoa quả sơn".

Ðảo Tuần Châu

Đảo Tuần Châu. Ảnh: halong.org.vn
Cách hang Ðầu Gỗ 3 km về phía tây, rộng khoảng 3 km2. Ðảo có tên như vậy do việc ghép hai chữ "Linh Tuần" và "Tri Châu" mà thành. Ðảo có trồng nhiều rau xanh, là nguồn cung cấp rau xanh cho thành phố.

Trên đảo còn có ngôi nhà đơn sơ làm bằng tre nứa, song mây của nhân dân tỉnh Quảng Ninh làm để chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi sau mỗi lần đi thăm vịnh. Hiện nay vẫn được gìn giữ làm nhà lưu niệm.

Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai một dự án lớn, biến đảo Tuần Châu thành một điểm du lịch đặc sắc của quần thể vịnh Hạ Long.

III. Bãi Tắm

Bãi Cháy. Ảnh: Wikipedia
Dọc theo bờ vịnh Hạ Long là khu nghỉ mát thường quen gọi là Bãi Cháy. Ðây là khu nghỉ mát quanh năm lộng gió biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng trên 20°C.

Bãi Cháy là một dải đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển kéo dài hơn 2 km ôm lấy hàng thông cổ thụ nằm xen kẽ với những khách sạn cao tầng, những biệt thự nhỏ kiến trúc riêng biệt. Qua con đường rải nhựa, sát bờ vịnh là dải cát trắng và hàng phi lao xanh mát. Những hàng quán nhỏ xinh ẩn mình dưới những rặng phi lao. Tắm biển xong du khách có thể lên bờ ngồi thưởng thức những cốc nước mát lạnh để đón luồng gió biển.

Bãi Cháy - vịnh Hạ Long là một điểm du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước.

Theo vietnamtourism

0 comments  

Tìm việc nhanh











Tìm các site

0 comments  

Sôi động hơn trong Tuần lễ ''Khám phá Hạ Long''

http://bauchovn.blogspot.com

Sôi động hơn trong Tuần lễ ''Khám phá Hạ Long'' 

Trước đây, nói đến du lịch Hạ Long, nhiều người vẫn nghĩ chỉ có vào dịp mùa hè là sôi động. Thế nhưng mọi chuyện có vẻ đã khác, vào những ngày chớm đông này, khách tới Hạ Long vẫn rất đông, nhất là trong Tuần lễ ''Khám phá Hạ Long''...

Khách du lịch tại Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy

Trong những tháng cuối năm này, thị trường khách du lịch Quảng Ninh trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Vịnh Hạ Long, một di sản đã 2 lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ngày càng hấp dẫn và lôi cuốn khách du lịch.Theo thông tin từ Sở Du lịch, từ đầu tháng 10 đến nay, các khách sạn cao cấp từ 3 sao trở lên đều đạt công suất khai thác buồng phòng cao (85% trở lên).

Đặc biệt có những tuần lễ, các khách sạn 2 sao ở khu du lịch Bãi Cháy cũng kín phòng. Bên cạnh hệ thống nhà nghỉ, khách sạn là phương tiện phục vụ vận chuyển khách du lịch cũng hoạt động với tần suất lớn, đôi khi đã xảy ra tình trạng không có tàu để chở khách tham quan Vịnh. Mặc dù trong những năm gần đây, số tàu vận chuyển khách đi tham quan Vịnh không ngừng tăng.

Các đội tàu du lịch của doanh nghiệp tư nhân luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ khách du lịch. Nhiều đội tàu đã đóng mới những con tàu trị giá hàng tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch chất lượng cao, đặc biệt là khách nghỉ đêm trên Vịnh. Tuy nhiên, vào thời điểm này, lượng khách có nhu cầu nghỉ đêm trên Vịnh rất lớn.

Được biết, hiện nay, đội tàu vận chuyển khách du lịch đã có khoảng hơn 800 phòng nghỉ đêm trên Vịnh nhưng hầu hết các con tàu nghỉ đêm đều đã có lịch trình kín. Một số tàu được xếp vào hạng chất lượng cao cũng đã được nhiều hãng lữ hành đặt chỗ đến hết quý I - 2008.

Anh Đào Mạnh Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Biển Ngọc, hiện đang quản lý 7 con tàu vận chuyển khách du lịch, trong đó có 5 con tàu đạt tiêu chuẩn từ 2 - 3 sao, phục vụ khách nghỉ đêm trên Vịnh, cho biết, đội tàu của công ty anh chủ yếu ký hợp đồng với các tour du lịch lớn; có hợp đồng đã được ký trước hàng năm. Riêng đội tàu nghỉ đêm trên Vịnh lúc nào cũng kín chuyến. Theo anh Lượng, khách nghỉ đêm trên Vịnh 80% là khách nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch đến từ Bắc Âu, họ rất thích khí hậu mùa đông ở Việt Nam.

Một nhân viên của phòng kinh doanh khách sạn Hạ Long Pearl (khách sạn 4 sao ở khu du lịch Bãi Cháy) cho biết: Vào thời điểm cuối năm, khách sạn Hạ Long Pearl luôn kín phòng; đặc biệt là vào thời điểm này. Chị còn cho biết thêm: Hưởng ứng Tuần lễ ''Khám phá Hạ Long'', khách sạn Hạ Long Pearl đang thực hiện giảm 40% giá phòng và 10% giá dịch vụ. Đây cũng là một trong những chương trình khuyến mại cho khách du lịch khi đến thành phố Hạ Long vào dịp này.

Có mặt tại Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy trong những ngày diễn ra Tuần lễ “Khám phá Hạ Long”, chúng tôi nhận thấy lượng khách du lịch đăng ký đi thăm Vịnh rất đông. Những chiếc xe du lịch chở khách xếp hàng dài tại bến. Các điểm máy tính nối mạng Internet phục vụ cho khách tham quan bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới cũng tấp nập khách ra vào.

Chị Vương Tiểu Linh, khách du lịch đến từ thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), bước chân xuống cảng tàu trong tâm trạng rất vui, chị nói: '' Đây là lần thứ 2 tôi đến đến Quảng Ninh và cũng là lần thứ 2 tôi đi tham quan Vịnh Hạ Long. Tôi thực sự bị cuốn hút bởi cảnh đẹp mây trời non nước Hạ Long. Tôi nhất định sẽ bầu chọn cho Vịnh Hạ Long; không những thế, khi về nước tôi sẽ kêu gọi bạn bè ủng hộ các bạn''.

Ông Tomasz, quốc tịch Pháp, cũng rất cởi mở: ''Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, được tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thế giới. Mỗi nơi đều có những vẻ đẹp hấp dẫn riêng, nhưng thú thực khi đến VN, đi thăm Vịnh Hạ Long, thì tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo và lộng lẫy của các hang động. Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long thật tuyệt vời và con người nơi đây thì thân thiện và quý khách. Tôi sẽ bầu chọn cho Vịnh Hạ Long...''.

Được biết, để thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh trong Tuần lễ “Khám phá Hạ Long'', khách đi thăm Vịnh sẽ được giảm 50%. Thêm nữa, du khách còn được tham gia nhiều chương trình vui chơi, giải trí, ca nhạc... sôi động và hấp dẫn.

Theo THU NGUYÊN - Báo Quảng Ninh

0 comments  

Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thởBốn mùa Vịnh Hạ Long

http://bauchovn.blogspot.com

Bốn mùa Vịnh Hạ Long

Truyền thuyết kể rằng: thuở xa xưa, những người dân sống ở vùng này thỉnh thoảng lại trông thấy một con rồng mẹ đem theo một đàn rồng con từ trên trời cao bay xuống, nô đùa trên sóng nước. Khi đất đai hạn hán, khô cằn nứt nẻ, cây cối héo hon, rồng nuốt những xoáy nước lớn phun khắp vùng.

Cảnh vật trở lại tuơi tốt. Gặp ngày dông bão, thuyền chài đi biển xa về chậm gặp nguy hiểm, rồng lượn xuống quanh thuyền che sóng to gió lớn, dẫn thuyền cập bến.

Dân yêu quí rồng, mỗi khi trong vùng có hội hè lễ tết thường mang đồ tế lễ ra bờ biển để cảm tạ rồng. Nhưng rồi bỗng nhiên đàn rồng vắng bóng. Bọn hung ác kéo đến tàn phá dân lành.

Dân mang đồ tế lễ đến bên bờ biển, cầu cứu rồng. Rồng mẹ cùng đàn rồng con lại xuất hiện, bay xà xuống phun lửa thiêu đốt bọn hung ác. Những lưỡi lửa rơi xuống biển, biến thành núi thành đảo. Nơi rồng mẹ hạ xuống nay là Vịnh Hạ Long, nơi đàn rồng con quay về chầu mẹ là phần vịnh Bái Tử Long.

Truyền thuyết ấy có lẽ đã gắn liền với quan niệm của người Việt xưa về tổ tiên mình là Rồng và Tiên. Mặt khác, địa thế Hạ Long lại gồm những đảo và núi phân bố nhấp nhô uốn khúc như dáng con rồng (theo mỹ cảm của dân gian) đang uốn lượn trên sóng nước. Trong số những hòn đảo riêng biệt của Hạ Long lại có những hòn Rồng, hòn Long Châu… cũng mang dáng đầu rồng, đuôi rồng.

Sự thật thì những hòn đảo này là những dãy núi đá vôi của lớp nền cũ thuộc về kỷ địa chất thứ nhất chìm dưới bể chỉ có đỉnh là không bị ngập nên còn nhô lên. Đá vôi lại bị nước mưa hòa tan nên núi non lâu ngày thay hình đổi dạng, có nhiều hang động, có suối chảy ngầm bên trong, tạo thành một phong cảnh khác thường.

Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thở

Bất kỳ ai tới thăm Vịnh Hạ Long đều phải bàng hoàng trước cảnh trời – mây – non – nước vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ này. Từ đầu thế kỷ 20 du khách quốc tế đã phải gọi Vịnh Hạ Long là kỳ quan thứ tám của thế giới.

Mới đây, mùa hè năm 1990, Tổng thống Ấn Độ tới Hạ Long, ông đã nói: “Hạ Long là khu du lịch đẹp nhất thế giới”. Mùa hè năm 1991, bộ trưởng du lịch Pháp đã bộc lộ cảm xúc của mình trên bờ Vịnh Hạ Long: “Hạ Long đẹp tới mức tôi cảm thấy nghẹt thở”.

Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Không có một vùng bờ biển nào trên đất nước Việt Nam lại được tạo hóa ưu đãi như Hạ Long. Trên một diện tích khoảng 1.500km2 mà có hàng ngàn hòn đảo, đảo đá xen lẫn với đảo đất như rồng chầu phượng múa. Có nơi đảo quần tụ xúm xít như bầy trẻ nô đùa, có chỗ dàn ra thưa thớt như quân cờ chông chênh trên sóng nước.

Lại có chỗ các đảo đứng xen lẽ nhau san sát chạy hàng chục cây số, trong xa như một bức tường thành ngăn khơi với lộng, nối mặt biển xanh với chân trời biếc. Nhưng khi tiến gần vào vịnh thì mặt biển bị rạn vỡ và ôm lấy núi non gò đảo lắm hình lắm dạng như nhím xù lông.

Đảo ở đây không chỉ là những hòn núi đá buồn tẻ, đơn điệu mà mỗi hòn một vẽ, thấp thoáng hình ảnh sống động của muôn loài. Có hòn như đôi gà xám xòe cánh chọi nhau, có hòn bề thế như một tòa lâu đài cổ, có hòn như cụ già trầm tư ngồi câu cá trên mặt vịnh, có hòn như chiếc thuyền buồm căng gió…

Du khách đã đi thăm nhiều thắng cảnh trên thế giới khi tới thăm vịnh này sẽ thấy nơi đây có những cái tháp Ấn Độ, những mái chùa Nhật Bản, những hàng cột ở các cung điện hoang tàn bên Hi Lạp, những vọng gác của những lâu đài bên châu Âu thời Trung cổ, những Đôn-men khổng lồ của người Gôloa, những vòm tròn của nhà thờ Thiên Chúa giáo…

Nét đẹp lung linh trong từng khoảnh khắc

Vào buổi sáng, thiên nhiên Hạ Long đẹp lộng lẫy với những sắc xanh kỳ ảo: sắc biếc sâu thẳm của biển, sắc xanh phớt nhẹ lung linh của sương… Tất cả đều thoát lên một sắc thái trẻ trung rạng rỡ khiến một nhà văn có tên tuổi của Việt Nam là Nguyễn Tuân đã kêu lên: “Chỉ có núi mới chịu già chứ biển và sóng biển Hạ Long thì trẻ trung đời đời”.

Chiều dần buông trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ban quản lí Vịnh Hạ Long 
Nhưng Hạ Long không chỉ đẹp về ban ngày. Chiều dần buông xuống, Hạ Long lại có một sức hấp dẫn ma quái riêng biệt.

Mặt trời ghé xuống gần những hòn đảo phía tây. Bóng núi chạy dài từng vệt trên mặt nước, trùm lên sóng bạc. Ráng chiều dập dờn làm bật ra những sắc màu lấp loáng của vài đám mây đủng đỉnh về xuôi ở mé đằng đông. Núi tiếp núi tạo trên nền trời màu da cam những bức tranh hoành tráng.

Nhưng nắng chiều rồi cũng tắt, màu sắc cũng đổi thay, nước kém xanh, kém biếc, núi đá tối sầm. Mặt trời xuống hẳn, màu nước cũng xóa nhau và cuối cùng hòa trong sắc tối của màn đêm.

Dưới ánh sáng lấp lánh của muôn vàn vì sao, cái vịnh biển vốn ít khi nổi giận lôi đình này giống như một vương quốc mà núi, đảo, gò, bãi là những lâu đài, cung điện, nhà cửa, vườn hoa và mặt biển bị xẻ thành từng dãy hành lang chỉ hơi lăn tăn gợn sóng in bóng sao đêm giống như những đường phố quanh co uốn lượn.

Tàu thuyền đậu từng đám, từng đám. Thắp đèn rực rỡ như những lầu hội đêm hoa đăng. Những đợt sóng rì rào vỗ vào vách đá, mạn thuyền như lời tỏ tình muôn đời giữa non và nước.

Thường các vùng biển chỉ lôi cuốn khách du lịch vào mùa hè nhưng Hạ Long thu hút khách cả bốn mùa.

Những buổi sáng xuân nhìn ra vịnh: đảo nước đắm chìm trong màn sương bạc mông lung, thấp thoáng những đỉnh cao xanh lam lúc ẩn lúc hiện. Về trưa, màn sương tan dần, từ từ cuốn khỏi mặt nước, chỉ còn trùm lên các đỉnh đảo khiến hàng ngàn hòn đảo như hàng ngàn thiếu nữ trùm tấm khăn voan chuẩn bị đi dự một vũ hội ngoài xa khơi.

Khi những tia nắng vàng tơ xuyên qua đám mây trắng nõn chiếu xuống vịnh, mặt nước hắt lên những ánh sáng rực rỡ muôn màu. Và sương lùi dần vào các hang động rồi tan vào không trung để phơi những triền đào thanh tân như vừa qua tắm gội.

Mùa nè ở Hạ Long là mùa gió nồm nam. Khi mặt trời còn ẩn dưới chân các đảo đá, mặt vịnh đã tươi tắn trong cái sắc xanh muôn thuở của nước trời. Mặt trời lên dần, đảo từ từ vươn dậy trên mặt sóng. Gió lồng lộng thổi, mặt nước gợn lên muôn vàn vệt sáng. Một rừng buồm như những cánh chim muôn màu lướt trên mặt nước lúc triều lên.

Trưa hè khi hoa phượng lốm đốm đỏ lửa cũng là lúc nắng mật ong dát lên mặt nước một màu sáng bạc. Khi bóng chiều vừa ngả, trời nước sáng rực trong nắng quái, rồi đảo đá ngả dần sang màu tím. Mặt trời khuất dần trên mặt nước, hắt lại những ráng vàng hình rẽ quạt.

Mùa thu đem lại cho Hạ Long những đêm trăng huyền ảo, ánh trăng trải xuống mặt vịnh những dải sáng bạc, mặt nước như được dát một lớp thủy ngân, lóng lánh tạo ra thiên hình vạn trạng những khối hình kỳ lạ. Một ngọn gió heo may, mặt biển gợn lên những con sóng lăn tăn như muôn ngàn sợi chỉ bạc chỉ vàng. Cảnh vật tĩnh lặng dường như ta nghe được tiếng đêm thở nhẹ và tiếng sao lùa nước.

Rồi thu qua đông tới, nhưng đối với Hạ Long, mùa đông không chỉ có nghĩ là khô héo. Vịnh Hạ Long cả trong những ngày giá rét vẫn biếc xanh.

Con nước Hạ Long vẫn đều đặn ngày đêm một lần dâng nước triều rửa sạch bãi cát. Và đó cũng là mùa bắt tôm bắt cua rộn ràng chẳng kém ngày hè kéo lưới buông chài.

Bốn mùa Hạ Long có những nét khác nhau nhưng đều hữu tình với các dáng vẻ kỳ vĩ của núi non duyên dáng của mây trời, sắc nước. Nhưng tham quan Hạ Long không chỉ đứng ở bờ vịnh nhìn ra biển, mà phải du ngoạn trên biển để khi thì chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn thể, khi thì len lỏi qua từng vũng, từng luồng, vào tận từng hang động, đến sát gần từng thớ đá, lạch nước, lùm cây mới khám phá được vẻ đẹp tinh tế đến lạ lùng mà tạo hóa đã phú cho miền đất “rồng xuống” này.

Nhà báo ĐỖ PHƯƠNG QUỲNH
(Hạ Long - Những lời đánh giá và ngợi ca - Ban quản lý Vịnh Hạ Long 12-2001)

0 comments  

Có một kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long?

http://bauchovn.blogspot.com

Có một kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long? 

Cách đây đúng 70 năm trước, nhà khảo cổ người Thụy Điển J.Anderson là người đầu tiên khám phá ra những dấu hiệu về một nền văn hóa cổ trên đảo Ngọc Vừng, bấy giờ còn có tên là Danh Do La.

Vịnh Bái Tử Long - nơi được xem là ẩn giấu kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy biển sâu

Trong suốt từ đó tới nay, đã có tổng cộng gần 40 di chỉ có cùng đặc trưng như vậy đã được các nhà khảo cổ phát hiện trên các đảo và dọc ven bờ vịnh Hạ Long, mà ngày nay chúng ta biết đến đó là Văn hóa Hạ Long, có niên đại khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay.

Tuy nhiên, đó là những cái đã được các nhà khoa học khám phá, làm rõ. Cho đến hôm nay, vịnh Hạ Long đã và vẫn mang trong mình những bí ẩn của lịch sử chờ lời giải thích của các nhà nghiên cứu. Mới đây, trên tạp chí Xưa Và Nay của Hội Khoa học lịch sử VN có đăng bài của tác giả Hồ Đắc Duy có tựa đề “Kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long” đề cập tới trận đánh do Trần Khánh Dư chỉ huy tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ năm 1288 trên vịnh Hạ Long. Vậy, những xác thuyền và cả những vũ khí, vật dụng đi theo nó hiện giờ nằm ở đâu?

Chúng ta ai cũng biết trận thủy chiến Vân Đồn do Trần Khánh Dư chỉ huy tiêu diệt 70 thuyền lương của Trương Văn Hổ là một chiến công lớn của nhà Trần, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 năm 1288.

Theo lập luận của tác giả thì có thể chính những người khách buôn Trung Quốc, sinh sống nhiều năm bằng nghề buôn bán và đánh cá ở vùng thương cảng Vân Đồn là những người lập ra hải trình cho Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ từ Trung Quốc vào vịnh Hạ Long để tìm đường đến sông Bạch Đằng. Bởi chỉ có họ mới biết rõ về địa hình, địa vật, con nước thủy triều lên xuống, con đường nào là an toàn nhất, ngắn nhất? Và đó chính là con đường đi men theo hải trình mà các thương thuyền vẫn hay qua lại.

Căn cứ, đối chiếu vào các tư liệu lịch sử của cả VN, Trung Quốc và trên thực tế địa lý, địa hình của vịnh Hạ Long, tác giả cho rằng trận hải chiến trên xảy ra vào khoảng ngày 3-1-1288 cho đến ngày 6-1-1288. Vị trí diễn ra trận đánh quyết định giới hạn ở khoảng tọa độ 107 độ 23 phút kinh đông và 20 độ 44 phút vĩ bắc, tức là ở khoảng giữa các đảo Thượng Mai, Hạ Mai, Phượng Hoàng và đảo Nấc Đất.

Nơi đây giống như một cái túi có bán kính khoảng 2,5km, cách đó không xa đảo Cô Tô như một đài quan sát mà chỉ cần một mũi tấn công ngang sườn từ đảo Cô Tô là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ có thể dạt vào vùng phục kích này. Nếu tìm dưới đáy ắt sẽ tìm thấy xác thuyền và ít nhất là một số chén, tô, lu, vại, gươm giáo, tiền đồng của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13…

Những gì mà tác giả Hồ Đắc Duy đưa ra thật thú vị, cần được các nhà khoa học quan tâm. Đây là một vấn đề không mới nhưng lại chưa được quan tâm, tìm hiểu. Trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược thế kỷ 13, trận hải chiến của Trần Khánh Dư đánh tan 70 thuyền lương của Trương Văn Hổ tại vùng biển Vân Đồn đã tạo tiền đề cho trận đại thắng trên sông Bạch Đằng ngày 8-3-1288.

Chính vì mất nguồn tiếp tế nên Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã phải vội vã rút quân, để rồi rơi vào trận địa cọc của Trần Hưng Đạo giăng sẵn trên sông Bạch Đằng. Năm 1998, ông Lê Đồng Sơn, trưởng phòng văn thể huyện Yên Hưng, đã sưu tầm được từ người dân ở Hà Nam một đoạn gỗ như là phần mũi thuyền, một đầu bị cháy sém, có khả năng là xác thuyền chiến của quân Nguyên bị đốt cháy trong trận Bạch Đằng 1288. Hiện đoạn gỗ này vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng (Yên Hưng).

Lễ hội Vân Đồn chính là dịp ôn lại chiến thắng của Trần Khánh Dư năm xưa

Khảo cổ học dưới biển đối với VN cho tới nay vẫn là một ngành khoa học mới mẻ, do chúng ta thiếu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, các cuộc khai quật xác tàu đắm, trục vớt cổ vật tại vùng biển Trung Nam bộ những năm vừa qua hầu hết là phải liên doanh với các đối tác của nước ngoài, rồi sau đó chia theo tỉ lệ phần trăm giá trị số cổ vật vớt được. Ở Vịnh Hạ Long, cho tới nay hầu như cũng chưa có cuộc khảo sát khảo cổ dưới nước nào được thực hiện, một phần cũng bởi các lý do trên.

Theo tác giả Hồ Đắc Duy thì dự kiến công việc khám phá ra kho tàng quân lương, khí giới của quân Mông Cổ ở đáy vịnh Hạ Long, tỉ lệ thành công khoảng 30%. Điều đó cho thấy đây là công việc không hề đơn giản.

Tuy nhiên, nếu làm được điều này thì sẽ chứng minh được sự đồng cảm của hiện tại về quá khứ, chứng minh được chiến thuật, chiến lược của kế hoạch xâm lược của Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ và kế hoạch ứng phó của nhà Trần mà điển hình là Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư. Và điều này cũng sẽ xác định lại những biến cố đã được ghi chép trong lịch sử VN và Trung Quốc có thật hay không.

Theo ĐẠI DƯƠNG - Báo Quảng Ninh

0 comments  

Khí hậuVịnh Hạ Long - di sản thế giới

http://bauchovn.blogspot.com

Vịnh Hạ Long - di sản thế giới

Đã từng khám phá và mê đắm vẻ đẹp tuyệt vời của Hạ Long, song vùng vịnh này vẫn còn ẩn chứa những điều kỳ thú về thiên nhiên, truyền thuyết, tiềm năng... mà nhiều du khách chưa từng biết đến.  

Vị trí địa lý 

Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo nằm ở phía đông bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, có tọa độ từ 106 độ 56’ đến 107 độ 37’ kinh độ Đông và 20 độ 43’ đến 21 độ 09’ vĩ độ Bắc.

Phía tây và tây bắc Vịnh Hạ Long kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đến hết phần huyện đảo Vân Đồn; phía đông nam và phía nam giáp vịnh Bắc bộ; phía tây nam và tây giáp đảo Cát Bà (TP Hải Phòng). Trên bản đồ thế giới, phía bắc Vịnh Hạ Long tiếp giáp với Trung Quốc; phía đông Vịnh Hạ Long tiếp giáp với biển Đông.

Năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1.553km2 với 1.969 hòn đảo. Khu trung tâm Vịnh Hạ Long với diện tích 434km2 và 775 hòn đảo có giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất địa mạo được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (chữ viết tắt tiếng Anh là UNESCO) hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và năm 2000).

Ảnh: T.T.D.

Khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận (Khu vực bảo vệ I - vùng lõi) được giới hạn bởi ba điểm: Đảo Đầu Gỗ phía tây; hồ Ba Hầm phía nam và đảo Cống Tây phía đông. Khu vực bảo vệ II - vùng đệm được xác định bởi bờ vịnh dọc theo quốc lộ 18A, từ kho xăng dầu B12 (Cái Dăm) đến cây số 11 (phường Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả).

Khu vực bảo vệ III - vùng phụ cận là vùng biển và đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên tiếp giáp với Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng).

Khí hậu

Mang tính chất nhiệt đới ẩm với hai mùa rõ rệt: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông khô, lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 15-25 độ C. Lượng mưa hằng năm đạt 2.000-2.200mm/năm. Vịnh Hạ Long có chế độ nhật triều thuần nhất điển hình (biên độ triều từ 3,5-4,0 m). Độ mặn của nước biển từ 31-34,5MT, mùa mưa thấp hơn.

Các tiềm năng của Vịnh Hạ Long

Tiềm năng du lịch: Với các giá trị và tiềm năng vốn có, Vịnh Hạ Long đã hội tụ những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch. Hình thức, loại hình du lịch ở Vịnh Hạ Long đa dạng. Đến Vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các loại hình du lịch: tham quan ngắm cảnh, tắm biển, nghiên cứu và nhiều loại hình khác.

Hiện nay, khách đến Vịnh Hạ Long chủ yếu tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền kayak. Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ mở thêm nhiều tuyến điểm tham quan và tăng thêm nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Dự kiến năm 2010, Quảng Ninh sẽ là một trong những điểm du lịch lớn nhất cả nước. Thành phố trẻ Hạ Long đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển nhanh về mọi mặt, là một tiền đề vững chắc để phát triển du lịch.

Hiện thành phố có 300 khách sạn từ 1-5 sao với 4.500 phòng nghỉ và nhều khách sạn mini, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Sự tăng trưởng về số lượng khách ở Hạ Long được đánh giá là nhanh nhất ở VN trong những năm gần đây.

Năm 1996, Vịnh Hạ Long đón 236 lượt khách, thì năm 2003 Vịnh Hạ Long đón 1.306.919 lượt khách. Dự đoán năm 2005, lượng khách đến Vịnh Hạ Long ước đạt 1,5-1,8 triệu, và đến năm 2010, Hạ Long sẽ là điểm đón tiếp 5-6 triệu lượt khách.

Tiềm năng cảng biển và giao thông thủy: Vịnh Hạ Long là vùng vịnh kín nên ít sóng và gió, hệ thống luồng lạch tự nhiên dày đặc và cửa sông ít bị bồi lắng. Điều kiện thuận lợi này cho phép xây dựng hệ thống giao thông cảng biển lớn mạnh như: cảng nước sâu Cái Lân (Hạ Long) và Cửa Ông (Cẩm Phả).

Ngoài ra, Quảng Ninh còn có một hệ thống cảng phụ trợ như: Mũi Chùa, Vạn Gia, Nam Cầu Trắng... Đặc biệt là cảng Cái Lân, gần với bến phà Bãi Cháy là vùng nước sâu, kín gió, nằm liền kề quốc lộ 18A, thuận lợi việc bốc rót, chuyên chở hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2010, sẽ xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Lân, với bảy cầu cảng, công suất hơn 14 triệu tấn cho phép tiếp nhận tàu trọng tải trên năm vạn tấn…

Tiềm năng hải sản: Biển Quảng Ninh chứa đựng nhiều hệ sinh thái phong phú có giá trị đa dạng sinh học cao, trữ lượng hải sản của vùng rất lớn. Điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản như: khí hậu, diện tích bãi triều lớn, nước trong, ngư trường ven bờ và ngoài khơi có trữ lượng hải sản cao và đa dạng với những loài như: cá song, cá giò, sò, tôm các loại... 

Những giá trị cơ bản của Vịnh Hạ Long

Giá trị thẩm mỹ

Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ ba yếu tố: Đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng. Đường nét, họa tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo ra một bức tranh thủy mặc.

Những lời đánh giá và ngợi ca

Trước vẻ đẹp kỳ ảo của trời, nước Hạ Long, nhiều danh nhân trong và ngoài nước từ bao đời nay không ngớt lời ca ngợi bằng nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là bằng ngôn ngữ của thi ca.

Giá trị địa chất - địa mạo

Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá bởi hai yếu tố đó là: Lịch sử kiến tạo và địa chất địa mạo.

Giá trị lịch sử - văn hóa

Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ.

Giá trị đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm cả đa dạng văn hóa, là sự thể hiện của con người, nhân tố quan trọng thuộc các hệ sinh thái.

Hệ thống đảo và hang động

Hang Bồ Nâu

Các đảo trên Vịnh Hạ Long chủ yếu là đảo đá vôi được hình thành cách đây trên 500 triệu năm, tập trung ở khu vực phía đông nam và tây nam; một số đảo phiến thạch phân bố rải rác chủ yếu ở khu vực đông nam với độ cao trung bình từ 50-200m được phủ lớp thực vật phong phú, đa dạng.

Ẩn giấu trong những hòn đảo đá là hệ thống hang động vô cùng phong phú với măng, nhũ đá có qui mô, hình dáng, màu sắc đa dạng và huyền ảo… Một số hang động Hạ Long còn chứa đựng các dấu tích của người tiền sử đang là điểm hấp dẫn khách tham quan như: Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Sửng Sốt, Soi Nhụ, Thiên Cung, Mê Cung, Tam Cung.

Cư dân trên Vịnh

Cư dân trên Vịnh Hạ Long
Trong khu vực di sản thế giới Vịnh Hạ Long hiện nay, có một bộ phận cư dân sinh sống, chủ yếu tập trung ở bốn làng chài Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Tàu, Vông Viêng với trên 1.600 người, trực thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long. Họ sống trên các nhà bè, thuyền và kiếm sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

Ở khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long là nơi cư trú sinh sống của một bộ phận cư dân thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện đảo Vân Đồn và huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Quá trình Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới

Lần thứ nhất

- Ngày 21-12-1991 Chính phủ VN đã cho phép xây dựng hồ sơ Vịnh Hạ Long để trình Hội đồng Di sản thế giới xét duyệt. Năm 1993, hồ sơ khoa học về Vịnh Hạ Long được hoàn tất và chuyển đến UNESCO để xem xét.

Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ Vịnh Hạ Long, UNESCO lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến Quảng Ninh để khảo sát, hướng dẫn, nghiên cứu, thẩm định hồ sơ tại chỗ. Hồ sơ Vịnh Hạ Long được chấp nhận đưa vào xem xét tại Hội nghị lần thứ 18 của Hội đồng Di sản thế giới.

- Ngày 17-12-1994 trong kỳ họp thứ 18 tại Phù Kẹt (Thái Lan) Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.

Lần thứ hai

- Theo đề nghị của Ban quản lý Vịnh Hạ Long và IUCN, tháng 9-1998, GS Tony Waltham, chuyên gia đầu ngành về địa chất học Trường đại học Trent Nottingham đã tiến hành nghiên cứu địa chất vùng đá vôi Karst Vịnh Hạ Long.

GS Tony Waltham đã gửi bản báo cáo về giá trị địa chất Vịnh Hạ Long tới UNESCO tại Paris, văn phòng IUCN tại Thụy Sĩ và Hà Nội, Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Ngày 25-2-1999, sau khi nhận được báo cáo của GS Tony Waltham, UNESCO đã gửi thư tới UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban quản lý Vịnh Hạ Long yêu cầu xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận về giá trị địa chất, địa mạo vùng đá vôi Vịnh Hạ Long (Karst).

- Tháng 7-1999, hồ sơ trình Hội đồng Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long về giá trị địa chất đã được hoàn tất và được gửi đến Trung tâm Di sản thế giới tại Paris. Tháng 12-1999 tại hội nghị lần thứ 23 Hội đồng Di sản thế giới họp tại thành phố Maraket của Maroco, Hội đồng Di sản thế giới đã chính thức xác nhận vấn đề này và đưa việc thẩm định hồ sơ để công nhận giá trị địa chất Vịnh Hạ Long vào năm 2000.

Tháng 3-2000, GS Erery Hamilton Smith, chuyên gia của tổ chức IUCN được cử đến Hạ Long để thẩm định tính xác thực của hồ sơ, giá trị địa chất cũng như đánh giá về thực trạng quản lý di sản và đưa ra một số khuyến nghị.

Tháng 7-2000, trong kỳ họp giữa năm của Trung tâm Di sản thế giới tại Paris đã chính thức đề nghị Ủy ban Di sản thế giới công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thế giới bởi giá trị toàn cầu về địa chất địa mạo.

- Ngày 2-12-2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản thế giới tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia, Hội đồng Di sản thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất địa mạo của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Theo halong.org.vn

0 comments  

Hạ Long: Khách sạn cao cấp đạt công suất cao

http://bauchovn.blogspot.com

Hạ Long: Khách sạn cao cấp đạt công suất cao 

Theo tin từ Phòng nghiệp vụ, Sở Du lịch Quảng Ninh, từ đầu tháng 10-2007 đến nay, các khách sạn cao cấp ở Quảng Ninh (3-4 sao) đạt công suất khai thác buồng phòng cao, từ 85% trở lên. Đặc biệt, có những tuần khách sạn 2 sao cũng kín phòng.

Được biết, các tàu du lịch chở khách nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long hạng cao cấp cũng được các hãng lữ hành đặt chỗ đến hết quý I-2008. Một trong những nguyên nhân tăng lượng khách lưu trú chủ yếu là khách quốc tế ở Hạ Long chính là việc các tàu biển tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long (VN) đưa khách du lịch đến thường xuyên, 1 ngày/chuyến thay cho 2ngày/chuyến như trước đây.

Đặc biệt, các chuyến tàu đều được khai thác với công suất tối đa 700 khách/chuyến. Bên cạnh đó,công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch Quảng Ninh ngày càng được đẩy mạnh thông qua các hội chợ, xúc tiến du lịch đã tạo nên sức hút với khách quốc tế.

Theo NGỌC HÂN - báo Quảng Ninh

0 comments  

Nắm lấy “cơ hội vàng”

Nắm lấy “cơ hội vàng”

Thắng cảnh hòn Gà Chọi được xem như là biểu trưng của du lịch Hạ Long.

Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh thì Vịnh Hạ Long sẽ là chủ đề trọng tâm của Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 3 (diễn ra từ 20-11 đến 23-11 tại Trung tâm triển lãm VHNT Vân Hồ, Hà Nội).

Lần đầu tiên, những giá trị của Vịnh Hạ Long được tuyên truyền, quảng bá, quy mô như thế tại Thủ đô. Sẽ có rất nhiều các hoạt động xung quanh chủ đề về Vịnh Hạ Long diễn ra trong ngày hội.

Cụ thể bao gồm: Trưng bày, triển lãm hình ảnh hiện vật, tư liệu về Vịnh Hạ Long; trưng bày các sản phẩm du lịch Hạ Long; giới thiệu các nghề truyền thống của Hạ Long (đóng thuyền gỗ, thuyền nan, sản xuất ngư cụ truyền thống của ngư dân trên Vịnh, mỹ nghệ than đá...); ẩm thực biển Hạ Long; hội thảo khoa học về các giá trị của Vịnh Hạ Long; tổ chức chương trình nghệ thuật hát về Hạ Long; trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả trong và ngoài nước sáng tác về Hạ Long v.v...

Song song với việc tham gia Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam tại Hà Nội, một ''Tuần lễ khám phá Hạ Long'' cũng sẽ được tổ chức ngay tại TP Hạ Long từ 23-11 đến 30-11. Theo kế hoạch, sẽ có một chương trình ca nhạc với chủ đề ''Hội tụ năm châu - Kết nối bạn bè'' được tổ chức tại Khu du lịch Tuần Châu vào tối 24- 11 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Đáng chú ý là nhân dịp này một doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh là Công ty Chiến Thắng đã đề xuất với tỉnh xin được tổ chức kéo cờ di sản trên Vịnh Hạ Long. Ước tính, lá cờ này rộng khoảng 10.000 m2 và sẽ do khoảng 4.000- 5.000 thanh niên, học sinh tham gia kéo cờ. Sự kiện này nếu được thực hiện sẽ được xác lập vào kỷ lục sách ghi-nét Việt Nam.

Tại hội nghị tuyên truyền, bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Báo Quảng Ninh, Đài PTTH Quảng Ninh, Sở Du lịch tổ chức cuối tháng 9-2007, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn v.v... đã nhất trí sẽ cùng giảm giá, nâng cao chất lượng kinh doanh trong thời gian diễn ra tuần lễ này...

Có thể nói, chưa bao giờ Vịnh Hạ Long được giới thiệu, quảng bá, tôn vinh có quy mô lớn như dịp này, kể cả so với hai lần được đón bằng công nhận Di sản thế giới của UNESCO vào các năm 1994 và 2000. Đây cũng là hoạt động lớn nhất kể từ khi UBND tỉnh phát động, kêu gọi mọi người dân trong tỉnh và cả nước cùng tham gia bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Xét về thời gian, từ nay tới khi kết thúc giai đoạn I của cuộc bầu chọn là 8-8-2008 thì không còn bao lâu nữa. Còn xét về ý nghĩa, Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam là ngày tôn vinh giá trị các di sản văn hoá dân tộc.

Vì thế, đây là “cơ hội vàng” để chúng ta tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các giá trị của Vịnh Hạ Long đến với cộng đồng trong nước và du khách quốc tế, từ đó vận động mọi người cùng hưởng ứng, tham gia bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.

Cũng bởi thế nên có ý kiến cho rằng, dù cho Vịnh Hạ Long không lọt vào tốp 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới đi chăng nữa thì vẫn có thể coi đây là một kết quả thắng lợi, bởi hình ảnh, các giá trị của Vịnh Hạ Long đã được nhiều người biết đến hơn, từ đó thu hút khách du lịch đến với Hạ Long ngày càng nhiều hơn nữa.

Hiện các công việc chuẩn bị để tham gia Ngày hội Di sản Văn hoá Việt Nam và ''Tuần lễ khám phá Hạ Long'' đã và đang được các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết để triển khai thực hiện.

Tất cả đều xác định đây là cơ hội vàng để chúng ta tuyên truyền, quảng bá, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Theo ĐẠI DƯƠNG - báo QUẢNG NINH

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Tự nguyện thu gom rác vì tình yêu Hạ Long

Tự nguyện thu gom rác vì tình yêu Hạ Long

Vụng kín, nơi lưu giữ những loài gien thuỷ sản quý hiếm của Vịnh Hạ Long. Ảnh: Phạm Đông
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế, như việc xả rác bừa bãi trong Vịnh.

Ngoài một lượng rác trôi dạt từ vùng ven bờ ra Vịnh, có một lượng không nhỏ là rác do sinh hoạt của ngư dân và hoạt động kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh thải ra.

Thực tế hiện nay, hầu hết bè nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh ăn uống trên Vịnh Hạ Long chưa có biện pháp thu gom xử lý chất thải, mà đều thải trực tiếp xuống biển.

Nhằm hạn chế thực trạng này, một số người dân của TP. Hạ Long đã tập hợp thành lập Tổ hợp tác tự nguyện thu gom rác trên Vịnh Hạ Long với công việc chính là tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên vịnh, tái tạo cảnh quan môi trường.

Một trong những người đứng ra thành lập tổ hợp tác là ông Đặng Minh Huyền, chủ Nhà hàng Đặng Huyền (phường Hồng Hà, TP. Hạ Long).

Ông Huyền cho biết: “Tổ hợp tác của chúng tôi có 8 người. Hầu hết đã có thời làm nghề chài lưới, gắn bó với sông nước Hạ Long. Bây giờ nhìn cảnh rác rưởi lều bều trên Vịnh, chúng tôi thấy xót xa lắm. Hạ Long đẹp như thế, đáng tự hào như thế thì mỗi người dân Hạ Long chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ cho Hạ Long đẹp hơn, sạch hơn”.

Xuất phát từ ý nghĩ đó, những người trong tổ hợp tác tự nguyện đã tập hợp nhau lại, cùng góp công, góp của để thực hiện việc thu gom rác trên vịnh. Ban đầu, họ dự kiến sẽ tiến hành việc thu gom và xử lý rác thải trên vùng biển thuộc hai phường Hồng Hà và Hồng Hải.

Để làm được điều này, họ dự kiến sẽ đóng góp khoảng 300 triệu đồng để mua xuồng và các thiết bị cần thiết phục vụ việc thu gom rác thải. Đồng thời xây dựng cụ thể phương án hoạt động của tổ hợp tác.

Theo đó, hàng ngày tổ hợp tác sẽ dùng xuồng thu gom tất cả rác thải trên vùng biển thuộc hai phường này để phân loại và xử lý; đặt các thùng chứa rác tại khu vực có đông dân cư sinh sống và tại các nhà hàng nổi... Đồng thời kết hợp trồng cây xanh trên những quả núi, những vùng đất trống.

Tổ hợp tác còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động mọi người dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường vùng Vịnh… Trong phương án hoạt động, Tổ hợp tác tự nguyện tuyển chọn con em của ngư dân trên biển vào làm nhân công, vừa để tạo việc làm thu nhập, vừa giúp nâng cao nhận thức cho chính những ngư dân đang sống trên Vịnh về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan Hạ Long.

Hiện nay, những người thành lập tổ hợp tác tự nguyện thu gom rác trên Vịnh đang hoàn thiện phương án hoạt động và xin phép các cơ quan có thẩm quyền để đi vào hoạt động. Ông Đặng Minh Huyền nói:

Chúng tôi đã xác định nếu được phép làm thì bước đầu sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp vào việc thu gom rác thải trên Vịnh. Phải có sự tham gia của tất cả mọi người thì cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long mới được bảo vệ và gìn giữ. Mọi người hãy bằng những việc làm có thể vì tình yêu với Hạ Long!”.

Theo báo QUẢNG NINH

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Lưu ý từ BTC cuộc bình chọn: Hãy bình chọn cho kỳ quan Hạ Long!

Hãy bình chọn cho kỳ quan Hạ Long!

TTO - Sáng 14-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS HCM, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp báo tại TP.HCM kêu gọi công chúng tích cực đề cử bình chọn cho vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh - Việt Nam vừa có tên  trong danh sách các địa danh được đề cử chính thức vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, do tổ chức New7wonders Foundation phát động.

Danh sách của các kỳ quan được chính thức đề cử sẽ được New7wonders Foundation công bố trong vài tuần tới. Bắt đầu từ thời điểm này, bạn đọc có thể bỏ phiếu bình chọn cho Vịnh Hạ Long.

Lưu ý từ BTC cuộc bình chọn:

Theo thông báo chính thức của tổ chức New7wonders Foundation, hiện tại Vịnh Hạ Long đã vượt qua giai đoạn 1 - giai đoạn đề cử. Do đó, các phiếu đề cử cho Vịnh Hạ Long trên website của BTC là không còn cần thiết.

Những người ủng hộ Vịnh Hạ Long nên chờ đến khi BTC chính thức thông báo bắt đầu giai đoạn bầu cử, lúc đó các phiếu bầu mới bắt đầu được tính cho Vịnh Hạ Long. 

Theo dự tính, cần đến hàng triệu phiếu bầu để Vịnh Hạ Long có thể lọt được vào danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới. Bởi từ hàng trăm địa danh được đề cử, người dùng Internet khắp thế giới sẽ bầu ra những địa danh có số phiếu bình chọn cao nhất. (Theo kế hoạch của  New7wonders Foundation, số lượng địa danh được bầu sẽ là 77).

Sau đó, Hội đồng chuyên gia của New7wonders Foundation sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá 77 địa danh nói trên để chọn ra 21 địa danh được xem là ứng cử viên cho 7 Kỳ quan thế giới. Đến đây, công chúng lại tiếp tục bỏ phiếu bình chọn để tìm ra 7 địa danh cuối cùng xứng đáng nhận danh hiệu “Kỳ quan thiên nhiên thế giới”.

Việc bỏ phiếu tiến hành trên địa chỉ http://www.new7wonders/ - website chính thức của Ban tổ chức. Tuy nhiên, công chúng Việt Nam bỏ phiếu đề cử cho vịnh Hạ Long có thể vào trang web chính thức của báo Tuổi Trẻ dành cho sự kiện này: http://halong.tuoitre.vn.

Đây là trang web đã được Việt hóa các hướng dẫn ký tên bỏ phiều bình chọn, và kết quả sẽ chuyển trực tiếp đến trang web chính của New7wonders. Bạn đọc lưu ý sau khi điền các thông tin cần thiết và bấm “gửi”, cần phải vào kiểm tra email và nhấp chuột vào đường link phản hồi của Ban tổ chức để chính thức xác nhận mình đã bỏ phiếu đề cử.

Thần đồng văn học Adora Svitak (trái) và hoa hậu Mai Phương Thúy cùng các ca sĩ, người mẫu ký tên bình chọn cho Vịnh Hạ Long. Ảnh: T.T.D.

Ban tổ chức New7wonders cũng thông báo các tiêu chuẩn cho Kỳ quan thiên nhiên thế giới “phải là địa điểm thiên nhiên hoặc là tuyệt tác thiên nhiên mà bàn tay con người chưa từng động tới”.

Tại buổi vận động, báo Tuổi Trẻ cũng phổ biến ba cuộc thi có thưởng sẽ bắt đầu tổ chức trên website http://halong.tuoitre.vn từ 1-12-2007. Đó là cuộc thi ảnh (do công ty lữ hành Saigon Tourist tài trợ), thi thiết kế e-card (do nhà sách trên mạng www.vinabook tài trợ) và thi viết về Vịnh Hạ Long.

Nhà nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng cho biết ông sẽ vận động 400 hội viên Hội nhiếp ảnh TP.HCM tích cực tham gia cuộc thi ảnh nói trên. Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - thông báo sẽ tài trợ cho cuộc thi viết về Hạ Long, nhằm mục đích quảng bá cho mọi người cùng biết cuộc đề cử đang tiến hành.

Đồng thời, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện để các đoàn văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhiếp ảnh gia đến với Vịnh Hạ Long để sáng tác, tuyên truyền, quảng bá…

LAM ĐIỀN

 

ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng vụ Văn hóa UNESCO - Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo.
Tham dự cuộc họp báo, ông Phạm Sanh Châu - vụ trưởng vụ Văn hóa UNESCO - Bộ Ngoại giao Việt Nam - cho biết Bộ Ngoại giao rất ủng hộ chương trình vận động bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Đây không chỉ là vấn đề văn hóa, mà còn thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Về phần Bộ Ngoại giao, chúng tôi xem sự kiện này như một nội dung ngoại giao văn hóa mà Chính phủ đang quan tâm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ chương trình bằng cách tìm kiếm thông tin chính xác từ các cơ quan đại diện của Bộ ở nước ngoài, sau đó sẽ tham mưu những bước đi cụ thể cho cuộc vận động này, cũng như sẽ báo cáo Chính phủ để có những chủ trương kịp thời.

Sắp tới, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức một lễ vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long riêng trong Bộ vào ngày 22-12 và cũng sẽ vận động Việt kiều ở các nước bình chọn cho Vịnh Hạ Long thông qua tổ chức Ủy ban người Việt ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo cho các cơ quan của Bộ ở tất cả các nước hỗ trợ tối đa cho chương trình này".

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Mục đích bầu chọn:

Mục đích bầu chọn:

TTO - Quảng bá hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, một địa chỉ du lịch cần đến trên thế giới. Qua đó, góp phần phát triển du lịch - kinh tế. Làm dấy lên lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt. Từ đó xây dựng ý thức gìn giữ, phát huy các danh lam lam thắng cảnh của đất nước. Đưa được Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha - Kẻ Bàng và Đỉnh Fansipan vào danh sách kì quan thiên nhiên mới của thế giới, do tổ chức New7Wonders phát động. (Vòng bầu chọn thứ nhất của chương trình sẽ kết thúc vào 31-12-2008).

Tuổi Trẻ Online

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Những khoảnh khắc đẹp nhất của Hạ Long

Những khoảnh khắc đẹp nhất của Hạ Long

Hòn Gà Chọi.
Chiêm ngưỡng Hạ Long, không gì thú bằng đi trên con thuyền buồm khe khẽ nhích lướt, len lỏi giữa rừng đảo huyền bí, ngắm nhìn trời nước ẩn hiện.

Từ Bãi Cháy, ca nô đưa ta vượt qua trũng biển Hòn Gai hình cánh quạt, hướng tới vùng đảo núi phía nam và đông nam, trông xa như bức trường thành sừng sững, ngăn khơi với lộng, nối mặt bể với chân trời.

Nhưng khi ca nô đến gần, bức trường thành đột ngột rạn vỡ, biến thành những đảo núi tách biệt lớn nhỏ lô nhô. Những ngõ ngách quanh co đột nhiên mở ra trước mặt ta, rồi đột nhiên khép lại.

Đằng sau các ngõ ngách ấy, có khi là vòm trời xanh trứng sáo với dải mây bông trắng muốt lơ lửng, có khi là mảng khơi sóng vỗ với cánh buồm nâu hoặc tím đang lướt vội.

Chưa hết ngỡ ngàng cảnh vật này, trước mắt ta bỗng hiện lên một cảnh vật khác, mới lạ và đầy vẻ quyến rũ. Có khi ca nô đang luồn lách giữa những khe lạch chật hẹp, chợt một dãy đảo sừng sững vụt hiện lên trước mặt, chặn ngang lạch nước, ngỡ đã cùng đường.

Nhưng không, lúc đến gần, dãy đảo như né mình, mở ra những lối ngoặt quanh co bất ngờ, dẫn ta đi sâu vào rừng đảo trầm mặc. Cảnh tượng đó không khác trò chơi ú tim giữa con người và thiên nhiên, tạo nên cảm xúc choáng ngợp đối với du khách.

Một du khách Trung Quốc tên là Pan Ting Keui đến thăm Hạ Long năm 1968, chứng kiến cảnh tượng đó, đã kinh ngạc thốt lên: ''Ở xa trông đúng là một vật gì quen thuộc, đến gần lại không phải nữa, vật đó biến đi đâu rồi. Trước mắt ta trông đúng là thế đấy, nhưng khi ta quay sang bên kia nhìn bỗng khác hẳn và biến mất''.

Hạ Long vào buổi sớm mùa xuân thật huyền ảo. Giữa màn sương bạc mông lung, nhô lên thấp thoáng những đỉnh đảo xanh đen, bồng bềnh, lúc ẩn lúc hiện. Những ngọn núi đá vốn vững chãi, bề thế, cứng cáp bỗng trở nên mềm mại, thanh tú, uyển chuyển khác thường, như được vẽ bằng những nét bút lông chấm phá.

Cái thú ở Hạ Long vào buổi sáng mùa hè, cùng với đón gió nồm nam và tắm biển, là chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc. Khi vầng thái dương nhô lên trên biển cả là lúc bình minh như ánh đuốc vọt lên sáng rực. Bó đuốc leo lên đỉnh đầu, chiếu đỏ bầu trời còn rực rỡ đủ màu sắc hồng, da cam và vàng óng.

Ở đằng xa, treo trên đỉnh Bài Thơ, hạt kim cương nhỏ xíu của ngôi sao Thần Nữ còn chưa tắt. Giữa mặt vịnh mênh mông xanh ngắt và tim tím nhô lên những tảng đá vôi hình thù kỳ dị và dường như được bút sơn của một hoạ sĩ quét lên vô số màu sắc, từ màu xanh ngọc bích đến màu đỏ nâu và vàng...

Chính ở đây biển cả ung dung bấm sợi dây xanh ngắt và mặn chát của chiếc đàn thất huyền của mình, rung lên âm thanh réo rắt của gió và dạt dào của sóng.

Trưa hè, nắng rải trên mặt vịnh gợn sóng lăn tăn vô số sợi bạc nhóng nhánh. Đảo san sát vươn dài, nằm phơi bộ ngực cường tráng, trần trụi. Đây đó, hoa phong lan bám lủng lẳng trên vách núi, nở cánh vàng, trắng, tím mềm mại, toả mùi hương êm dịu vào không gian trong lành của biển.

Chiều hè, khi đảo đá từ màu lam ngả sang màu tím sẫm, là lúc mặt trời cháy tàn ngọn lửa vàng, chỉ còn lại một quả cầu than đỏ rực dịch dần về phía Tây, rồi khuất sau dãy đảo, hắt lên chân trời ráng vàng hình rẻ quạt.

Giữa không gian đang chuyển màu, bỗng vang lên rộn rã bên bờ Bãi Cháy âm thanh nhiều cung bậc của sự sống “chứa chan khúc nhạc đời”... (Huy Cận - Một đêm thức trong mưa bão).

Nếu bạn đến Hạ Long vào một đêm trăng thu, bạn sẽ thấy Hạ Long diễm lệ và huyền bí biết bao! Mặt vịnh yên tĩnh như tấm gương phản chiếu ánh trăng sáng bạc, lóng lánh tựa thuỷ ngân. Lúc trăng lên, trăng tà, trong tiếng lao xao của gió và sóng, đảo đá trầm tư ẩn hiện giữa mảng tối, mảng sáng xen kẽ, trở nên xa lạ và thật huyền bí...

Cảnh quan biến đổi trong chớp mắt theo góc nhìn và thời gian là vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc của Hạ Long, chỉ ở môi trường biển đảo mới có được.

Theo THI SẢNH - Báo Quảng Ninh

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Treo "lá cờ di sản" 1 tấn trên bờ vịnh Hạ Long 

"Tuần lễ khám phá Vịnh Hạ Long":

Treo "lá cờ di sản" 1 tấn trên bờ vịnh Hạ Long 

Sáng nay, 2-11, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm Trưởng ban vận động, tuyên truyền, quảng bá bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới cho biết, nhằm hưởng ứng Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Hạ Long - những giá trị tiềm ẩn” do Bộ VH-TT và DL tổ chức, từ ngày 20-11, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức chương trình mang tên “Tuần lễ khám phá Hạ Long” tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo ông Quân, trong tuần lễ này có một sự kiện nổi bật là Ban tổ chức sẽ làm lễ kéo 1 lá cờ di sản để treo bên bờ vịnh Hạ Long. Lá cờ di sản sẽ có kích thước 80x125m, nặng hơn 1 tấn.

Nơi dự kiến đặt lá cờ là khu vực gần Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long).

Theo Sài Gòn giải phóng 12G

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Phát hiện mới di tích tiền sử trên Vịnh Bái Tử Long 

Phát hiện mới di tích tiền sử trên Vịnh Bái Tử Long 

Một phần lòng Hang Thủng.

Trong đợt khảo sát khảo cổ học vào tháng 12 năm 2006 trên vịnh biển Bái Tử Long (thuộc hải phận xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), các nhà chuyên môn Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích thời tiền sử.

Đó là địa điểm Hang Thủng, thuộc dãy đảo Phất Cờ, nằm cách bờ gần nhất khoảng 1,5km, cách địa điểm Ba Vũng - một di tích khảo cổ học tiền sử nổi tiếng, khoảng 3km về phía Đông Bắc, cách cảng Cái Rồng khoảng 6km về phía Tây Bắc.

Hang Thủng - một hang đá vôi khá lớn có 2 cửa lớn xuyên thủng nhau theo hướng Bắc - Nam cách nhau khoảng 40m. Bề mặt hang hơi dốc từ Bắc xuôi xuống phía Nam. Cửa phía Bắc cao hơn mặt biển khoảng 10m, cửa phía Nam cao hơn mặt biển khoảng 7m.

Trên bề mặt hang khá rộng khoảng hơn 100m2 ngổn ngang những tảng đá to như chiếc sập gỗ lớn rơi từ trần hang xuống, nằm chồng chất lên nhau. Trần hang cao khoảng 10m, khá bằng phẳng còn lưu lại những dấu vết của những tảng đá to tách rơi từ trần xuống.

Ở khu vực gần cửa Bắc của hang, có một lỗ hổng lớn được tạo thành do các tảng đã lớn chồng lên. Khi chui xuống lỗ hổng lớn này, Đoàn khảo sát bắt gặp nền hang nguyên thủy. Đó chính là mặt bằng mà người tiền sử cư trú, trước khi những tảng đã lớn sập từ trần hang xuống.

Tại đây phát hiện được tầng văn hóa màu xám sẫm ngả vàng dày từ 30-40cm, chứa đầy vỏ ốc dài nước ngọt Melania bị chặt đuôi, có cả loại ốc Viviparus (loại ốc nông dân hiện nay gọi là ốc ruộng), ít hơn cả là loài ốc núi Cyclophorus.Không hề thấy một vỏ nhuyễn thể nước mặn nào. Tất cả đã bị bán hóa thạch, tạo thành những mảng trầm tích rắn chắc, dày 30cm-40cm. Đây là tàn tích thức ăn của người tiền sử.

Điều đáng chú ý là, trong một mảng trầm tích ốc hóa thạch, Đoàn đã phát hiện được một công cụ mảnh tước bằng đá cuội, nửa thân mảnh bám chặt vào tảng trầm tích. Đây là một dụng cụ lao động bằng đá thường được người nguyên thủy sử dụng như những con dao, hay cái nạo.

Điều này giúp ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, Hang Thủng là một di chỉ cư trú của người tiền sử. Sự có mặt của trầm tích văn hóa chứa hầu hết loài nhuyễn thể nước ngọt, không có nhuyễn thể biển, chứng tỏ người nguyên thủy Hang Thủng sống ở thời kỳ mà khu vực này còn là đất liền, chưa có biển.

Có thể chủ nhân di tích Hang Thủng là cư dân sinh sống cùng thời với cư dân hang Mê Cung, hang Tiên Ông trong khu vực Vịnh Hạ Long, có niên đại khoảng hơn 10.000 năm cách ngày nay.

Hiện tại, các dấu tích của người tiền sử vẫn được giữ nguyên vị trí ban đầu. Để làm rõ hơn nội dung và tính chất của di tích, cần có kế hoạch nghiên cứu chuyên ngành sâu hơn nữa di chỉ này.

Theo TS. TRÌNH NĂNG CHUNG (Viện Khảo cổ học Việt Nam) - Báo Quảng Ninh

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Bầu cho Việt Nam

Mục đích bầu chọn:

(TTO) Quảng bá hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, một địa chỉ du lịch cần đến trên thế giới. Qua đó, góp phần phát triển du lịch - kinh tế. Làm dấy lên lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt. Từ đó xây dựng ý thức gìn giữ, phát huy các danh lam lam thắng cảnh của đất nước. Đưa được Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha - Kẻ Bàng và Đỉnh Fansipan vào danh sách kì quan thiên nhiên mới của thế giới, do tổ chức New7Wonders phát động.

Vòng bầu chọn thứ nhất của chương trình sẽ kết thúc vào 31-12-2008)

*: Thông tin bắt buộc. Các thông tin đều đã được điền sẵn nên để bầu nhanh cho Việt Nam, bạn chỉ cần điền email và bấm bỏ phiếu sau đó xác nhận email là được.



Ghi chú:

Bạn sẽ nhận mail xác nhận. Phiếu bầu của bạn chỉ được tính khi bạn bấm vào link gửi trong mail.

© 2007-2008 new7wonders, tto, quick vote modified by Fujiwara. You are free to copy this page, as long as you leave a comment here. Links are always welcome :)

0 comments  

Hưởng ứng bầu chọn vịnh Hạ Long

Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á:

Hưởng ứng bầu chọn vịnh Hạ Long

TT (Hà nội) - Theo đề nghị của Sở Du lịch Hà Nội, mới đây Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á đã nhất trí hưởng ứng cuộc bầu chọn cho vịnh Hạ Long.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết đang chuẩn bị trình UBND TP Hà Nội việc giao cho một số ban ngành, đoàn thể kêu gọi nhân dân thủ đô và bạn bè quốc tế tích cực tham gia cuộc vận động với khẩu hiệu "Hãy bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thế giới" từ ngày 27-9.

Trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội dự kiến sẽ yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn phát tờ rơi kêu gọi, hướng dẫn cách bầu chọn tới du khách; tài trợ phần thưởng cho du khách trúng thưởng qua bầu chọn; nối đường link bầu chọn trực tiếp vào website của doanh nghiệp, các khách sạn lớn bố trí 1-2 máy vi tính tại sảnh để hướng dẫn khách bầu chọn...

THÀNH MINH

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Hãy bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long!

Hãy bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long!

* Truyền hình CNN bắt đầu quay phim quảng bá du lịch VN

Ảnh lớn: Hãy cười lên nào - cảnh quay tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, chiều 15-9 - Ảnh Na Sơn
TT  (Quảng Ninh) - "Cuộc vận động bình chọn vịnh Hạ Long thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn của toàn dân tộc" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định như vậy tại hội nghị phối hợp tuyên truyền, quảng bá, vận động bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới được tổ chức hôm qua 15-9 ở Hạ Long.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhận định: "Đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia vì từ nay đến ngày 8-8-2008, ban tổ chức NewOpen World sẽ chọn 77 đề cử có số phiếu cao nhất, tiếp đó sẽ chọn ra 21 đề cử tiêu biểu từ đó. Sau đó sẽ công bố 21 đề cử để bỏ phiếu lựa chọn ra bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Thứ trưởng Ái đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông và các bộ ngành liên quan làm tốt cuộc vận động lôi cuốn toàn thể các tầng lớp nhân dân trong cả nước, kiều bào và bạn bè ở nước ngoài cùng góp sức bình chọn cho vịnh Hạ Long.

Phát biểu tại hội nghị, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng cho rằng cuộc vận động bình chọn vịnh Hạ Long không chỉ là cơ hội để đưa vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan của thế giới mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người VN đến với bạn bè quốc tế. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm trưởng ban vận động vịnh Hạ Long Nguyễn Hồng Quân ghi nhận tâm huyết của các cơ quan báo chí truyền thông trong thời gian qua.

Ông Quân đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan hữu quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục - đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai vận động các lực lượng tham gia bình chọn vịnh Hạ Long. UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã thống nhất thành lập "nhóm hành động Hạ Long 2008" gồm báo Tuổi Trẻ, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và diễn đàn 1080 để xúc tiến các hoạt động tổ chức sự kiện thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia bình chọn cho vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Ảnh nhỏ: Đạo diễn hướng dẫn người mẫu là SV Trường ĐH Mở trong một cảnh quay tại Văn Miếu -  Ảnh: Na Sơn
* Cùng ngày 15-9, nhóm làm phim của kênh truyền hình CNN thương mại (Mỹ) đã đi vòng quanh Hà Nội tìm địa điểm ưng ý cho những cảnh quay quảng bá du lịch Việt Nam mà tâm điểm là Hạ Long. Đoàn làm phim thuộc Công ty Plum Ideas Pte, Ltd (Singapore), bao gồm đạo diễn sáng tạo Phua Sock Cheng Veronica, quản lý Ong Tiong Huat, đạo diễn phim Lum Chee Kin, đạo diễn hình ảnh Goh Meng Hing và quay phim Poon Kin Chuan.

Trong ngày 15-9, đoàn đã đến quay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột, Phủ chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ. Vào buổi chiều, đoàn phim tỏ ra rất thích những cảnh quay tại Văn - Miếu Quốc Tử Giám với hai người mẫu là sinh viên Trường đại học Mở Hà Nội và màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Trên đường đi tìm những ngôi nhà có kiến trúc Pháp cổ, đoàn bất ngờ dừng lại tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, ghi vào ống kính nụ cười rạng rỡ và những cánh tay vẫy chào của các em học sinh. Sau đó, đoàn tiếp tục đến chùa Trấn Quốc ghi hình biểu diễn rối nước vào buổi tối.

Trong ngày 16-9, đoàn sẽ tiếp tục ghi hình tại những điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội như đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử, phố ẩm thực, phố bán đồ thủ công, một số gallery danh tiếng...

Từ 17 đến 21-9, đoàn làm phim của CNN sẽ thực hiện những cảnh quay tại Hạ Long - tâm điểm của chương trình quảng bá du lịch. Bên cạnh những thắng cảnh đã được biết tới như hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, đoàn sẽ tới những điểm du lịch mới như đảo Quan Lạn, Hòn Xếp, đảo Ba Mùn.

Đ.H.LỰC - U.LY

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

VN vận động bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long

Tại Triển lãm du lịch thế giới JATA 2007:

VN vận động bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long

Khách tham quan gian hàng VN tại hội chợ - Ảnh: CTV
TT - Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch và 10 doanh nghiệp du lịch lữ hành VN đã tham gia Hội chợ triển lãm du lịch thế giới JATA 2007 diễn ra tại Tokyo từ 14 đến 16-9 với sự tham gia của hơn 130 quốc gia.

Đoàn VN nhân dịp này đã vận động sự ủng hộ của bạn bè nước ngoài bỏ phiếu ủng hộ vịnh Hạ Long vào danh sách một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới.

LÊ NAM

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

14-9: CNN bấm máy phim quảng bá du lịch VN

14-9: CNN bấm máy phim quảng bá du lịch VN

TT - TP.HCM - Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch - Tổng cục Du lịch VN Phạm Hữu Minh cho biết ngày 14-9 đoàn làm phim quảng bá du lịch VN của kênh truyền hình CNN từ Singapore sẽ sang VN bắt đầu bấm máy quay video clip giới thiệu du lịch VN.

Theo kế hoạch, từ ngày 14 đến 17-9 đoàn làm phim sẽ quay các cảnh phố cổ, ẩm thực Hà Nội, một số bảo tàng...; ngày 17-9 đoàn sẽ đến Quảng Ninh để quay các cảnh đẹp của vịnh Hạ Long và ở lại đây để hoàn thành những đoạn cuối của video clip với nội dung chủ yếu: thiên nhiên tươi đẹp, an toàn, con người thân thiện. Theo kế hoạch, đoạn phim này sẽ phát vào những giờ "vàng" trong các buổi phát tin sáng và chiều của CNN liên tục 13 tuần lễ từ tuần đầu tháng 10 đến tháng 12-2008.

LÊ NAM

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Hơn 1,5 tỉ đồng “tiếp sức” hành trình bình chọn vịnh Hạ Long

Hơn 1,5 tỉ đồng “tiếp sức” hành trình bình chọn vịnh Hạ Long

TT (Quảng Ninh) - Chiều qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị hưởng ứng cuộc bình chọn Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới với các công ty du lịch và một số hãng lữ hành quốc tế, nhằm vận động du khách đến VN tham quan, quảng bá và bình chọn cho vịnh Hạ Long.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm trưởng ban vận động bình chọn vịnh Hạ Long Nguyễn Hồng Quân cho biết sắp tới tỉnh cùng Tổng cục Du lịch và một số cơ quan truyền thông lớn, trong đó có Tuổi Trẻ, sẽ tổ chức sự kiện “Tuần lễ Hạ Long”.

Tại hội nghị, đại diện các hãng lữ hành quốc tế và các công ty du lịch đã quyên góp được hơn 1,5 tỉ đồng để “tiếp sức” cho hành trình bình chọn vịnh Hạ Long ngay từ giai đoạn đầu.

Đ.H.LỰC

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Quảng Ninh: học sinh bình chọn kỳ quan Hạ Long

Quảng Ninh: học sinh bình chọn kỳ quan Hạ Long

Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long bỏ phiếu bình chọn vịnh Hạ Long qua mạng Internet - Ảnh: Thanh Hương

TT (Quảng Ninh) - Hôm qua, tất cả các trường THPT, THCS và tiểu học của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Nhân dịp này, Sở GD-ĐT tỉnh đã phát động toàn bộ học sinh các cấp học bỏ phiếu bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Đồng thời, đưa chương trình giáo dục di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long vào trường học.  

ĐỖ HỮU LỰC

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments  

Hà Long phong cảnhHải Long du ký

Hải Long du ký

(Le tourisme à la baie d' Along)

TTCT -  Hải Long là cách gọi vịnh Hạ Long của người xưa. Đúng 70 năm trước, mùa xuân năm 1937, ông Trần Hữu Tư - một điền chủ ở Giá Rai (Bạc Liêu) yêu nghề văn - đã đi du lịch từ Cần Thơ ra Hạ Long và ghi lại những cảm nghĩ về chuyến đi.

Tuy chưa thật văn vẻ, giọng văn chân chất, nhận định chưa thật đầy đủ những gì ông Tư để lại cũng cho chúng ta có cái nhìn khái quát về đời sống và cách nhìn về vịnh Hạ Long của người xưa. Những cảm nhận này được in năm 1941 để “biếu bà con và bạn hữu”.

Nhân cuộc vận động đưa vịnh Hạ Long vào danh sách những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, Tuổi trẻ cuối tuần xin trân trọng giới thiệu Hải Long du ký của ông Trần Hữu Tư với bạn đọc như để góp thêm một tư liệu.  

...........................................   

Đến Hòn-gay 6 giờ sáng, chúng tôi thuê được chiếc thuyền khả-dung lối vài chục người. Ổng Cả đã sai dự bị các thức tửu-hào. Thuyền tách bến nhằm lúc trời êm bể lặng, lại được gió nước đều thuận, nên đi không bao lâu thì tới cửa Lục (Lục-hải-khẩu). Tại đây có động Ngũ thể Tường - vân, tên này do đức vua Khải Định đặt ra (hang-đầu-gỗ). Từ chơn núi phải leo lên gần 100 nấc thang đá mới vào cửa động. Động rộng, có từng ngăn, đá mọc như cột trụ. Trên trần có vô số nhũ đá lòng thòng như kết tụi. Chúng tôi cầm đèn pin đi vào tới ba ngăn mà vẫn thấy còn rộng còn sâu, không dám vào nữa; đành phải lui ra ngồi xem phong cảnh một hồi lâu, rồi xuống thuyền. Hồi sớm ở xa chưa có mặt trời, mình thấy màu động trắng xanh; bây giờ lại gần, có mặt trời rọi vào, màu động lại đổi ra vàng dợt:

Cửa Lục có động Tường-vân,
Sánh cùng các động có phần khác xa.
Giữa trời hả quát miệng ra,
Nuốt ngay tám gió lại hà năm mây.
Đổi màu theo bóng trời xây,
Bồng lai tiên cảnh thế này phải chăng?

Chèo lại núi Cập-gà, leo lên xem thấy có bãi Hà rất đẹp, chúng tôi bèn dọn đồ lên đó đánh chén.

Gần núi Cập-gà cũng có núi có động, nhưng chẳng có chi đáng kể, chúng tôi bèn bảo chèo lại núi Đề-thơ. Tại đây có hai bài thơ: một bài của vua Lê Thánh Tôn và một bài của chúa Trịnh (Trịnh Cương). Bài của vua Lê Thánh Tôn khắc vào năm 1468 tính ra 472 năm, nay chữ đã mờ chỉ đọc được hai câu: Thiên - Nam vạn cổ sơn hà tại. Chính thị tu văn yễn võ niên.

Tuy vậy đọc nội một câu Thiên-Nam vạn cổ sơn hà tại nghe cũng khoái lắm rồi. Phía cuối cùng lại có một bài của cụ Nguyễn Cần mới khắc hồi cụ làm quan tại Quảng Yên.

Chơi núi mà không đề thơ là một điều khuyết điểm, đã vậy đây lại là hòn núi Đề-thơ, thì lẽ nào mình lại chịu vô tình với trái núi mà mình ưa thích. Bởi vậy, bỉ-nhơn cũng xin chắp nhặt mấy vần như dưới đây:

Hà Long phong cảnh

Gối đầu Bắc địa giáp ranh Tàu,
Phong cảnh Hà Long đẹp biết bao.
Một giải trong ngần mây nhận sắc,
Mấy hòn sáng rỡ đá phơi màu.
Chơn trời thâm thẫm rồng đi vắng,
Mặt biển minh mông cá nhảy nhào.
Nam quốc san hà ai đại định?
Thi đề vách đá chứng tài cao!

Hang Đầu Gõ rộng 500m2, cửa hang rộng 17m, cao 12m. Đây là một trong những hang đẹp nhất của vịnh Hạ Long Ảnh :Trần Tiến Dũng

Xem dãy núi Đề-thơ rồi mặt trời đã chinh xế, nhắm không thể nào ghé vào hết các núi được, nên chúng tôi thả ghe đi một vòng, lấy mắt quan sát toàn cảnh tại vịnh Hải Long vậy thôi; bởi vì tại đây là một cảnh kỳ quan thứ tám của thế giới, cả thảy có hơn hai chục hòn núi và mười một cái động, tuy thấy hòn lớn hòn nhỏ, hình dáng khác nhau nhưng hầu hết đều trông ra hình cô phong.

Có lẽ khi xưa còn thuộc về phần thương hải, các trái núi cũng liền nhau, nhưng sau bị lụt hồng thủy, vạn vật phải biến ra cảnh tang điền, mà các trái núi mới rã ra thành hình độc lập, như hình hiện tại mà chúng ta thấy đó chăng? Đây là lời phỏng đoán của

bỉ-nhơn, phải quấy thế nào để nhờ những ông bác cổ học chỉ giáo mới được. Quan sát xong, thấy bóng ngọc thố đã lạc tận chơn trời, nên chúng tôi phải quay thuyền về Hòn-gay. Thuyền đi được vài dặm, chú lái đò chỉ cho chúng tôi xem hình ông Lữ Vọng bằng đá ngồi trên một hòn núi dựa mé biển; và luôn miệng chú cất giọng lên hát:

Non thiên khéo đúc nên người,
Trông chừng sành sỏi khác người phàm gian.
Trải bao gió núi mưa ngàn,
Đã già, già sóc lại gan, gan lỳ.

Lúc bấy giờ bỉ-nhơn cũng cảm hứng nên có nối điêu một bài:

Đá tạc nên hình tự bấy lâu?
Hỡi ông Lữ Vọng điếu công hầu.
Trung cang khắng khắng cùng trời rộng,
Tiết tháo làu làu tột bể sâu.
Thao lược giúp đời sao tuyệt vọng,
Kinh quyền báo chúa chẳng lo âu.
Liền gan thiết thạch dầu bền vững,
Nếu gặp xe Văn ắt chẳng cầu.

Trọn đêm nay vì bị nước và gió đều ngược, nên thuyền đi không được bao xa. Tới 4 giờ sáng bỉ-nhơn và ông Cả thức dậy, thấy trời lạnh, chúng tôi đem rượu ra nhậu để hưởng cái thú:

Cao sơn lưu thủy thi thiên trục,
Minh nguyệt thanh phong tửu nhứt thuyền.

Nói chuyện “thơ thẩn” được một lát thì trời phát gió, càng thổi càng xăng, vì thấy mui thuyền lủng nhiều lỗ nên bỉ-nhơn nói pha lững với ông Cả: “Thưa Cả, tôi tưởng thế nào chúng ta cũng phải gặp cảnh:

Ốc lậu cánh tao liên dạ võ,
Thuyền trì hựu ngộ đã đầu phong.

Ông Cả: “Ở giữa biển như thế này làm gì gặp cảnh ốc lậu được?”. “Thưa Cả, mái nhà dột thì mui ghe cũng dột vậy mà!”.

Chúng tôi còn ngồi rán quỳnh tương lẫn nhau. Bỗng chốc một trận giông đưa tới làm cho sóng dậy ba đào thuyền phải trồi lên hụp xuống rồi trôi lui rất mau; sợ để lôi thôi thuyền bị sóng gió đẩy tuốt qua bên Tàu nên chú lái thuyền phải ghé vào bờ, đậu chờ hết giông mới dám ra đi. Về đến Hòn-gay đã gần 10 giờ trưa.

Tháng 3-1937

     TRẦN HỮU TƯ (T.N.V. giới thiệu) 

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

0 comments