Có một kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long?
Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2008
Có một kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long?
Cách đây đúng 70 năm trước, nhà khảo cổ người Thụy Điển J.Anderson là người đầu tiên khám phá ra những dấu hiệu về một nền văn hóa cổ trên đảo Ngọc Vừng, bấy giờ còn có tên là Danh Do La.
Vịnh Bái Tử Long - nơi được xem là ẩn giấu kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy biển sâu |
Trong suốt từ đó tới nay, đã có tổng cộng gần 40 di chỉ có cùng đặc trưng như vậy đã được các nhà khảo cổ phát hiện trên các đảo và dọc ven bờ vịnh Hạ Long, mà ngày nay chúng ta biết đến đó là Văn hóa Hạ Long, có niên đại khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay.
Tuy nhiên, đó là những cái đã được các nhà khoa học khám phá, làm rõ. Cho đến hôm nay, vịnh Hạ Long đã và vẫn mang trong mình những bí ẩn của lịch sử chờ lời giải thích của các nhà nghiên cứu. Mới đây, trên tạp chí Xưa Và Nay của Hội Khoa học lịch sử VN có đăng bài của tác giả Hồ Đắc Duy có tựa đề “Kho tàng của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Hạ Long” đề cập tới trận đánh do Trần Khánh Dư chỉ huy tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ năm 1288 trên vịnh Hạ Long. Vậy, những xác thuyền và cả những vũ khí, vật dụng đi theo nó hiện giờ nằm ở đâu?
Chúng ta ai cũng biết trận thủy chiến Vân Đồn do Trần Khánh Dư chỉ huy tiêu diệt 70 thuyền lương của Trương Văn Hổ là một chiến công lớn của nhà Trần, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 năm 1288.
Theo lập luận của tác giả thì có thể chính những người khách buôn Trung Quốc, sinh sống nhiều năm bằng nghề buôn bán và đánh cá ở vùng thương cảng Vân Đồn là những người lập ra hải trình cho Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ từ Trung Quốc vào vịnh Hạ Long để tìm đường đến sông Bạch Đằng. Bởi chỉ có họ mới biết rõ về địa hình, địa vật, con nước thủy triều lên xuống, con đường nào là an toàn nhất, ngắn nhất? Và đó chính là con đường đi men theo hải trình mà các thương thuyền vẫn hay qua lại.
Căn cứ, đối chiếu vào các tư liệu lịch sử của cả VN, Trung Quốc và trên thực tế địa lý, địa hình của vịnh Hạ Long, tác giả cho rằng trận hải chiến trên xảy ra vào khoảng ngày 3-1-1288 cho đến ngày 6-1-1288. Vị trí diễn ra trận đánh quyết định giới hạn ở khoảng tọa độ 107 độ 23 phút kinh đông và 20 độ 44 phút vĩ bắc, tức là ở khoảng giữa các đảo Thượng Mai, Hạ Mai, Phượng Hoàng và đảo Nấc Đất.
Nơi đây giống như một cái túi có bán kính khoảng 2,5km, cách đó không xa đảo Cô Tô như một đài quan sát mà chỉ cần một mũi tấn công ngang sườn từ đảo Cô Tô là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ có thể dạt vào vùng phục kích này. Nếu tìm dưới đáy ắt sẽ tìm thấy xác thuyền và ít nhất là một số chén, tô, lu, vại, gươm giáo, tiền đồng của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13…
Những gì mà tác giả Hồ Đắc Duy đưa ra thật thú vị, cần được các nhà khoa học quan tâm. Đây là một vấn đề không mới nhưng lại chưa được quan tâm, tìm hiểu. Trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược thế kỷ 13, trận hải chiến của Trần Khánh Dư đánh tan 70 thuyền lương của Trương Văn Hổ tại vùng biển Vân Đồn đã tạo tiền đề cho trận đại thắng trên sông Bạch Đằng ngày 8-3-1288.
Chính vì mất nguồn tiếp tế nên Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã phải vội vã rút quân, để rồi rơi vào trận địa cọc của Trần Hưng Đạo giăng sẵn trên sông Bạch Đằng. Năm 1998, ông Lê Đồng Sơn, trưởng phòng văn thể huyện Yên Hưng, đã sưu tầm được từ người dân ở Hà Nam một đoạn gỗ như là phần mũi thuyền, một đầu bị cháy sém, có khả năng là xác thuyền chiến của quân Nguyên bị đốt cháy trong trận Bạch Đằng 1288. Hiện đoạn gỗ này vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng (Yên Hưng).
Lễ hội Vân Đồn chính là dịp ôn lại chiến thắng của Trần Khánh Dư năm xưa |
Theo tác giả Hồ Đắc Duy thì dự kiến công việc khám phá ra kho tàng quân lương, khí giới của quân Mông Cổ ở đáy vịnh Hạ Long, tỉ lệ thành công khoảng 30%. Điều đó cho thấy đây là công việc không hề đơn giản.
Tuy nhiên, nếu làm được điều này thì sẽ chứng minh được sự đồng cảm của hiện tại về quá khứ, chứng minh được chiến thuật, chiến lược của kế hoạch xâm lược của Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ và kế hoạch ứng phó của nhà Trần mà điển hình là Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư. Và điều này cũng sẽ xác định lại những biến cố đã được ghi chép trong lịch sử VN và Trung Quốc có thật hay không.
Theo ĐẠI DƯƠNG - Báo Quảng Ninh