Hà Long phong cảnhHải Long du ký
Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008
Hải Long du ký
(Le tourisme à la baie d' Along)
TTCT - Hải Long là cách gọi vịnh Hạ Long của người xưa. Đúng 70 năm trước, mùa xuân năm 1937, ông Trần Hữu Tư - một điền chủ ở Giá Rai (Bạc Liêu) yêu nghề văn - đã đi du lịch từ Cần Thơ ra Hạ Long và ghi lại những cảm nghĩ về chuyến đi.
Tuy chưa thật văn vẻ, giọng văn chân chất, nhận định chưa thật đầy đủ những gì ông Tư để lại cũng cho chúng ta có cái nhìn khái quát về đời sống và cách nhìn về vịnh Hạ Long của người xưa. Những cảm nhận này được in năm 1941 để “biếu bà con và bạn hữu”.
Nhân cuộc vận động đưa vịnh Hạ Long vào danh sách những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, Tuổi trẻ cuối tuần xin trân trọng giới thiệu Hải Long du ký của ông Trần Hữu Tư với bạn đọc như để góp thêm một tư liệu.
...........................................
Đến Hòn-gay 6 giờ sáng, chúng tôi thuê được chiếc thuyền khả-dung lối vài chục người. Ổng Cả đã sai dự bị các thức tửu-hào. Thuyền tách bến nhằm lúc trời êm bể lặng, lại được gió nước đều thuận, nên đi không bao lâu thì tới cửa Lục (Lục-hải-khẩu). Tại đây có động Ngũ thể Tường - vân, tên này do đức vua Khải Định đặt ra (hang-đầu-gỗ). Từ chơn núi phải leo lên gần 100 nấc thang đá mới vào cửa động. Động rộng, có từng ngăn, đá mọc như cột trụ. Trên trần có vô số nhũ đá lòng thòng như kết tụi. Chúng tôi cầm đèn pin đi vào tới ba ngăn mà vẫn thấy còn rộng còn sâu, không dám vào nữa; đành phải lui ra ngồi xem phong cảnh một hồi lâu, rồi xuống thuyền. Hồi sớm ở xa chưa có mặt trời, mình thấy màu động trắng xanh; bây giờ lại gần, có mặt trời rọi vào, màu động lại đổi ra vàng dợt:
Cửa Lục có động Tường-vân,
Sánh cùng các động có phần khác xa.
Giữa trời hả quát miệng ra,
Nuốt ngay tám gió lại hà năm mây.
Đổi màu theo bóng trời xây,
Bồng lai tiên cảnh thế này phải chăng?
Chèo lại núi Cập-gà, leo lên xem thấy có bãi Hà rất đẹp, chúng tôi bèn dọn đồ lên đó đánh chén.
Gần núi Cập-gà cũng có núi có động, nhưng chẳng có chi đáng kể, chúng tôi bèn bảo chèo lại núi Đề-thơ. Tại đây có hai bài thơ: một bài của vua Lê Thánh Tôn và một bài của chúa Trịnh (Trịnh Cương). Bài của vua Lê Thánh Tôn khắc vào năm 1468 tính ra 472 năm, nay chữ đã mờ chỉ đọc được hai câu: Thiên - Nam vạn cổ sơn hà tại. Chính thị tu văn yễn võ niên.
Tuy vậy đọc nội một câu Thiên-Nam vạn cổ sơn hà tại nghe cũng khoái lắm rồi. Phía cuối cùng lại có một bài của cụ Nguyễn Cần mới khắc hồi cụ làm quan tại Quảng Yên.
Chơi núi mà không đề thơ là một điều khuyết điểm, đã vậy đây lại là hòn núi Đề-thơ, thì lẽ nào mình lại chịu vô tình với trái núi mà mình ưa thích. Bởi vậy, bỉ-nhơn cũng xin chắp nhặt mấy vần như dưới đây:
Hà Long phong cảnh
Gối đầu Bắc địa giáp ranh Tàu,
Phong cảnh Hà Long đẹp biết bao.
Một giải trong ngần mây nhận sắc,
Mấy hòn sáng rỡ đá phơi màu.
Chơn trời thâm thẫm rồng đi vắng,
Mặt biển minh mông cá nhảy nhào.
Nam quốc san hà ai đại định?
Thi đề vách đá chứng tài cao!
Hang Đầu Gõ rộng 500m2, cửa hang rộng 17m, cao 12m. Đây là một trong những hang đẹp nhất của vịnh Hạ Long Ảnh :Trần Tiến Dũng |
Xem dãy núi Đề-thơ rồi mặt trời đã chinh xế, nhắm không thể nào ghé vào hết các núi được, nên chúng tôi thả ghe đi một vòng, lấy mắt quan sát toàn cảnh tại vịnh Hải Long vậy thôi; bởi vì tại đây là một cảnh kỳ quan thứ tám của thế giới, cả thảy có hơn hai chục hòn núi và mười một cái động, tuy thấy hòn lớn hòn nhỏ, hình dáng khác nhau nhưng hầu hết đều trông ra hình cô phong.
Có lẽ khi xưa còn thuộc về phần thương hải, các trái núi cũng liền nhau, nhưng sau bị lụt hồng thủy, vạn vật phải biến ra cảnh tang điền, mà các trái núi mới rã ra thành hình độc lập, như hình hiện tại mà chúng ta thấy đó chăng? Đây là lời phỏng đoán của
bỉ-nhơn, phải quấy thế nào để nhờ những ông bác cổ học chỉ giáo mới được. Quan sát xong, thấy bóng ngọc thố đã lạc tận chơn trời, nên chúng tôi phải quay thuyền về Hòn-gay. Thuyền đi được vài dặm, chú lái đò chỉ cho chúng tôi xem hình ông Lữ Vọng bằng đá ngồi trên một hòn núi dựa mé biển; và luôn miệng chú cất giọng lên hát:
Non thiên khéo đúc nên người,
Trông chừng sành sỏi khác người phàm gian.
Trải bao gió núi mưa ngàn,
Đã già, già sóc lại gan, gan lỳ.
Lúc bấy giờ bỉ-nhơn cũng cảm hứng nên có nối điêu một bài:
Đá tạc nên hình tự bấy lâu?
Hỡi ông Lữ Vọng điếu công hầu.
Trung cang khắng khắng cùng trời rộng,
Tiết tháo làu làu tột bể sâu.
Thao lược giúp đời sao tuyệt vọng,
Kinh quyền báo chúa chẳng lo âu.
Liền gan thiết thạch dầu bền vững,
Nếu gặp xe Văn ắt chẳng cầu.
Trọn đêm nay vì bị nước và gió đều ngược, nên thuyền đi không được bao xa. Tới 4 giờ sáng bỉ-nhơn và ông Cả thức dậy, thấy trời lạnh, chúng tôi đem rượu ra nhậu để hưởng cái thú:
Cao sơn lưu thủy thi thiên trục,
Minh nguyệt thanh phong tửu nhứt thuyền.
Nói chuyện “thơ thẩn” được một lát thì trời phát gió, càng thổi càng xăng, vì thấy mui thuyền lủng nhiều lỗ nên bỉ-nhơn nói pha lững với ông Cả: “Thưa Cả, tôi tưởng thế nào chúng ta cũng phải gặp cảnh:
Ốc lậu cánh tao liên dạ võ,
Thuyền trì hựu ngộ đã đầu phong.
Ông Cả: “Ở giữa biển như thế này làm gì gặp cảnh ốc lậu được?”. “Thưa Cả, mái nhà dột thì mui ghe cũng dột vậy mà!”.
Chúng tôi còn ngồi rán quỳnh tương lẫn nhau. Bỗng chốc một trận giông đưa tới làm cho sóng dậy ba đào thuyền phải trồi lên hụp xuống rồi trôi lui rất mau; sợ để lôi thôi thuyền bị sóng gió đẩy tuốt qua bên Tàu nên chú lái thuyền phải ghé vào bờ, đậu chờ hết giông mới dám ra đi. Về đến Hòn-gay đã gần 10 giờ trưa.
Tháng 3-1937
TRẦN HỮU TƯ (T.N.V. giới thiệu)