Trung tâm văn hóa nổi“Phố biển” trong lòng di sản

Vịnh Hạ Long - kỳ quan huyền ảo (Kỳ cuối):

“Phố biển” trong lòng di sản

TT - Ngày vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì “phố biển” Cửa Vạn cũng trở thành một phần của di sản ấy.

Ngoài nghề biển truyền thống bao đời, người dân ở đây bắt đầu biết tôn trọng giá trị và góp tay bảo vệ di sản cũng như giá trị văn hóa truyền thống của làng chài.

>> Kỳ 1: Mỗi đảo là một kỳ quan
>> Kỳ 2: Câu chuyện đảo Titôp
>> Kỳ 3: Có một nền văn hóa Hạ Long

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trung tâm văn hóa nổi

Sinh ra trên thuyền bè, lớn lên trên nước biển, người dân Cửa Vạn từ nhỏ biết học bơi, chèo thuyền trước khi biết chữ. Cuộc sống của họ bao đời lấy thuyền làm nhà, biển là quê hương, sinh kế chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của biển cả với nghề đánh bắt hải sản và mò cua bắt ốc trên vịnh. Cái nghèo cứ đeo đuổi họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng kể từ khi trở thành một phần của di sản thiên nhiên thế giới, cái nghèo dần được đẩy lùi nhờ những nghề dịch vụ phục vụ du khách thăm vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Văn Cho, 69 tuổi, trưởng làng Cửa Vạn, kể: “Dân vạn chài khi ấy chưa biết di sản thế giới là như thế nào, nhưng họ cũng bất ngờ khi thấy du khách đổ xô về vịnh Hạ Long ngày một đông. Họ đến làng chúng tôi với những ánh mắt tò mò, thích thú, nhất là người nước ngoài. Họ xem đủ thứ, hỏi đủ điều về cuộc sống và các phong tục tập quán của làng chài”. Người dân từ đó có ý thức hơn.

Người dân Cửa Vạn lấy nước sạch để dùng - Ảnh: LÊ BÍCH
Phát biểu trong ngày khánh thành Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, ông Chu Shiu Kee, trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại VN, nói: “Đây là một dự án rất đặc biệt. Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn phát triển theo hướng bảo tàng sinh thái được xây dựng lần đầu tiên trên biển ở VN và trên thế giới. Có một làng chài giữa lòng di sản là nét đặc trưng độc đáo nhất mà không một di sản thiên nhiên nào trên thế giới có được”.

Để giữ gìn nét độc đáo đó, ban quản lý vịnh Hạ Long đã sắp xếp lại làng chài Cửa Vạn theo mô hình “phố biển du lịch”. Ngày 19-5-2006, với số vốn tài trợ ban đầu của Chính phủ Na Uy 410.000 USD, Trung tâm văn hóa nổi đã được xây dựng cuối làng chài Cửa Vạn. Ở đây trưng bày, triển lãm một số hiện vật, hình ảnh theo sáu chủ đề như: tự nhiên và con người, phương thức kiếm sống của ngư dân, đời sống vật chất của dân chài, thủy cư với cuộc sống đời người, tâm linh với cuộc sống tinh thần...

“Đây là mô hình Trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại VN nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách”, ông Ngô Hùng - trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long - cho biết.

Cũng kể từ ngày có Trung tâm văn hóa nổi, nhiều thiếu nữ làng chài từ bỏ tay chèo, tay lưới, khoác lên mình những tà áo truyền thống giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch về những phong tục tập quán nơi họ sinh ra và lớn lên. Làng chài được đầu tư về chiều sâu, giáo dục được quan tâm hơn khi tất cả trẻ em đủ tuổi đều đến trường học. Họ đã hiểu được mình là một phần của di sản. Họ đã biết tự hào và cùng góp tay bảo vệ di sản Hạ Long.

Vì một Hạ Long sạch đẹp hơn

Trên chiếc canô cao tốc vào làng chài Cửa Vạn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha chỉ xuống mặt biển nói: “Cách nay vài năm nếu vào thăm làng chài, du khách rất ái ngại khi mặt nước lềnh bềnh đủ thứ rác thải của người dân làng chài. Họ sống vô tổ chức lắm, cái gì không dùng cứ thế cho xuống biển, bây giờ cảnh ấy đã không còn, tất cả là nhờ hai cô gái của làng chài đấy”.

Hai cô gái ấy trạc tuổi nhau. Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1976 nhưng đã có tới ba mặt con. Năm 2001, chồng chị qua đời sau một cơn bạo bệnh để lại gia đình cùng người cha chồng cho chị cưu mang.

Còn Phan Hồng Ngát, sinh năm 1972, cũng có chồng là ngư dân đã qua đời cách nay ba năm, để lại hai đứa con trai đang độ tuổi ăn học. Trước đây hai người phụ nữ này đều làm nghề bán hàng rong trên biển kiếm bữa rau bữa cháo qua ngày. Cái nghèo, sự lam lũ bám riết gia đình họ cho đến ngày họ được làng chài ưu tiên đưa vào làm đội vớt rác trên biển, thu nhập mỗi tháng 700.000 đồng.

Kể từ đó, ngày hai buổi, chị Tuyết và chị Ngát cùng chiếc thuyền nan kẻ chèo người vớt đi quanh làng thu gom tất cả những gì người dân làng chài thải xuống biển.

“Những ngày đầu cũng mệt lắm, rác lềnh bềnh khắp nơi chèo mỏi cả tay, vớt đầy cả thuyền mà vẫn không xuể", chị Tuyết nói. Dần dần, nhờ vào sự chăm chỉ và kiên trì vận động của hai cô gái mà dân làng chài hiểu được giá trị của di sản và cùng chung tay giữ gìn vệ sinh trên vịnh. Ông Nguyễn Tiến Lộc - cư dân làng chài - cho biết: "Hình ảnh tần tảo, chịu khó của chị Tuyết và chị Ngát đã khiến cư dân làng chài chúng tôi bắt đầu ý thức hơn. Hành động vứt rác xuống biển đã không còn, thay vào đó chúng tôi cho vào các bịch nilông để trước cửa nhà đến giờ hai chị sẽ tới gom”.

Giờ đây, giữa mênh mông biển và những dãy núi đá hùng vĩ của vịnh Hạ Long, “phố biển du lịch” đã là một phần không thể thiếu của một di sản thiên nhiên huyền ảo. Người dân nơi này đã hiểu rằng: cuộc sống của họ và “ngôi nhà” của họ đã trở thành một giá trị bền vững của nhân loại.

Hiến kế cho vịnh Hạ Long

Sau khi Tổ chức NewOpenWorld mời mọi người đóng góp ý kiến bình chọn danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một hội nghị “hiến kế cho vịnh Hạ Long” và chính thức phát động phong trào bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới từ ngày 24-7.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hồng Quân khẳng định cuộc vận động bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới đã được UBND tỉnh coi trọng như một “chiến dịch”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương nghiên cứu mô hình và đề xuất thành lập một “ban vận động bình chọn kỳ quan vịnh Hạ Long”.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên chủ tịch Hội VH-NT Quảng Ninh, cho rằng để cuộc bình chọn tới ngày 8-8-2008 thành công tốt đẹp, trước hết các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần chấn chỉnh ngay tình hình an ninh, trật tự trên vịnh Hạ Long, kiên quyết dẹp ngay tình trạng “cái bang biển”, các hành vi gây mất vệ sinh, hủy hoại môi trường vịnh của các nhà hàng khách sạn, chấn chỉnh tình trạng đeo bám, “chặt chém” du khách tham quan.

Đại diện Sở Bưu chính - viễn thông Quảng Ninh đề xuất ý kiến: tỉnh nên hợp tác với các báo điện tử có lượng truy cập lớn như Tuổi Trẻ Online, Nhân Dân điện tử... cùng phối hợp tuyên truyền quảng bá về vịnh Hạ Long, tập trung tuyên truyền vào các đại lý Internet để vận động các cư dân mạng tham gia bình chọn. Tại TP Hạ Long, người dân và du khách tham gia bình chọn tại các điểm Internet sẽ nhận được phần quà thưởng “Người bình chọn thứ...” do ban tổ chức trao tặng.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đề xuất trong thời gian từ nay đến tháng 5-2008, tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức những sự kiện lớn gắn với vịnh Hạ Long để thu hút các cơ quan thông tấn, truyền thông quốc tế đến với vịnh Hạ Long và quảng bá thương hiệu Hạ Long... Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp và quảng bá cho vịnh Hạ Long.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Việc đề cử cho Hạ Long không phải xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc mà bắt nguồn từ giá trị độc đáo nội tại của nó, nên tôi rất ủng hộ và sẵn sàng bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới. Những giá trị độc nhất vô nhị để Hạ Long hai lần được công nhận di sản thiên nhiên thế giới đã được nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu và thừa nhận. Đây là cơ hội vinh danh giá trị di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ di sản”.

HỒ VĂN - ĐỖ HỮU LỰC - NGUYỄN HÒA

______________________________________

Đón đọc Số tới:

Trần Lương Vũ - người hai mặt

Trần Lương Vũ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Thượng Hải, Trung Quốc - vừa bị cách chức, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị bắt.

Ông là người kêu gọi nâng cao đời sống người dân bằng chính sách bảo hiểm xã hội, nhưng lại bòn rút tiền của quĩ bảo hiểm xã hội. Ông yêu cầu cán bộ đảng viên học tập quán triệt kỷ cương Đảng nhưng lại là người hủ hóa, có 11 mỹ nữ ở Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh... tố cáo ông lừa tình. Ông trở thành một ví dụ điển hình cho bài học lãnh đạo hai mặt: “Trên bục kêu gọi chống tiêu cực, dưới bục tham gia tiêu cực”.

This content was originally posted on http://vote4vn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

 

0 comments:

Đăng nhận xét