Phát hiện mới di tích tiền sử trên Vịnh Bái Tử Long 

Phát hiện mới di tích tiền sử trên Vịnh Bái Tử Long 

Một phần lòng Hang Thủng.

Trong đợt khảo sát khảo cổ học vào tháng 12 năm 2006 trên vịnh biển Bái Tử Long (thuộc hải phận xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), các nhà chuyên môn Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích thời tiền sử.

Đó là địa điểm Hang Thủng, thuộc dãy đảo Phất Cờ, nằm cách bờ gần nhất khoảng 1,5km, cách địa điểm Ba Vũng - một di tích khảo cổ học tiền sử nổi tiếng, khoảng 3km về phía Đông Bắc, cách cảng Cái Rồng khoảng 6km về phía Tây Bắc.

Hang Thủng - một hang đá vôi khá lớn có 2 cửa lớn xuyên thủng nhau theo hướng Bắc - Nam cách nhau khoảng 40m. Bề mặt hang hơi dốc từ Bắc xuôi xuống phía Nam. Cửa phía Bắc cao hơn mặt biển khoảng 10m, cửa phía Nam cao hơn mặt biển khoảng 7m.

Trên bề mặt hang khá rộng khoảng hơn 100m2 ngổn ngang những tảng đá to như chiếc sập gỗ lớn rơi từ trần hang xuống, nằm chồng chất lên nhau. Trần hang cao khoảng 10m, khá bằng phẳng còn lưu lại những dấu vết của những tảng đá to tách rơi từ trần xuống.

Ở khu vực gần cửa Bắc của hang, có một lỗ hổng lớn được tạo thành do các tảng đã lớn chồng lên. Khi chui xuống lỗ hổng lớn này, Đoàn khảo sát bắt gặp nền hang nguyên thủy. Đó chính là mặt bằng mà người tiền sử cư trú, trước khi những tảng đã lớn sập từ trần hang xuống.

Tại đây phát hiện được tầng văn hóa màu xám sẫm ngả vàng dày từ 30-40cm, chứa đầy vỏ ốc dài nước ngọt Melania bị chặt đuôi, có cả loại ốc Viviparus (loại ốc nông dân hiện nay gọi là ốc ruộng), ít hơn cả là loài ốc núi Cyclophorus.Không hề thấy một vỏ nhuyễn thể nước mặn nào. Tất cả đã bị bán hóa thạch, tạo thành những mảng trầm tích rắn chắc, dày 30cm-40cm. Đây là tàn tích thức ăn của người tiền sử.

Điều đáng chú ý là, trong một mảng trầm tích ốc hóa thạch, Đoàn đã phát hiện được một công cụ mảnh tước bằng đá cuội, nửa thân mảnh bám chặt vào tảng trầm tích. Đây là một dụng cụ lao động bằng đá thường được người nguyên thủy sử dụng như những con dao, hay cái nạo.

Điều này giúp ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, Hang Thủng là một di chỉ cư trú của người tiền sử. Sự có mặt của trầm tích văn hóa chứa hầu hết loài nhuyễn thể nước ngọt, không có nhuyễn thể biển, chứng tỏ người nguyên thủy Hang Thủng sống ở thời kỳ mà khu vực này còn là đất liền, chưa có biển.

Có thể chủ nhân di tích Hang Thủng là cư dân sinh sống cùng thời với cư dân hang Mê Cung, hang Tiên Ông trong khu vực Vịnh Hạ Long, có niên đại khoảng hơn 10.000 năm cách ngày nay.

Hiện tại, các dấu tích của người tiền sử vẫn được giữ nguyên vị trí ban đầu. Để làm rõ hơn nội dung và tính chất của di tích, cần có kế hoạch nghiên cứu chuyên ngành sâu hơn nữa di chỉ này.

Theo TS. TRÌNH NĂNG CHUNG (Viện Khảo cổ học Việt Nam) - Báo Quảng Ninh

This content was originally posted on http://bauchovn.blogspot.com/ © 2008 If you are not reading this text from the above site, you are reading a splog

 

0 comments:

Đăng nhận xét